Tiền và Hàng 14/01/2014 13:00

Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng mạnh: Không phải tín hiệu đáng mừng!

FICA - Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng mạnh không phải là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh thiếu nguồn nguyên liệu cho những thị trường có nhu cầu và giá nhập khẩu cao như Mỹ, Nhật Bản và EU.

 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (Vasep), Trung Quốc là thị trường có tốc độ tăng nhập khẩu mạnh nhất từ Việt Nam, liên tục tăng với tỷ lệ 2 con số. Năm nay, trung bình mỗi tháng xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 45 triệu USD, riêng mặt hàng tôm đã đạt tới gần 28 triệu USD/tháng, chiếm tới 68% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Tính riêng 10 tháng đầu năm 2013, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang 156 thị trường. Top 10 thị trường lớn nhất gồm: Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Australia, Brazil, Mexico, Nga vẫn chiếm 85% tổng giá trị XK của Việt Nam như năm ngoái, tuy nhiên đã có sự thay đổi đáng kể về thứ tự và tỷ trọng của các thị trường trong tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Trong đó, Nhật Bản giảm 0,6% tỷ trọng, EU giảm 1,5%, Hàn Quốc giảm 1,2%, trong khi Mỹ tăng 2% và Trung Quốc tăng 1,6%. Sự thay đổi này đã đưa Trung Quốc vượt qua Hàn Quốc lên vị trí thứ 4 trong các thị trường NK thủy sản Việt Nam. Xét theo thị trường đơn lẻ, Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ và Nhật Bản.

Tổng xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc 10 tháng đầu năm đạt 462 triệu USD, tăng 37%, trong đó xuất khẩu  tôm tăng gần 50% đạt 310 triệu USD, chiếm 67% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này. Riêng trong tháng 10, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm tăng mạnh nhất và tăng liên tục qua các tháng (tăng 25- 115%). Thậm chí có một vài tháng trong năm nay, Trung Quốc vượt qua cả EU về giá trị nhập khẩu tôm từ Việt Nam.

Theo Báo cáo Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam quý III/2013, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc quý III/2013 đạt 159 triệu USD, tăng 40%, trong đó tôm đạt 109 triệu USD.

Tuy nhiên, theo Vasep, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng mạnh không phải là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh thiếu nguồn nguyên liệu cho những thị trường có nhu cầu và giá nhập khẩu cao như Mỹ, Nhật Bản và EU. Bên cạnh nguồn tôm xuất chính ngạch, tình trạng thương lái thu mua tôm nguyện liệu bất kể cỡ tôm và chất lượng để đưa sang Trung Quốc đã đến mức báo động và đang làm loạn thị trường tôm nguyên liệu trong nước. Tình trạng này kéo dài sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong khi tôm hiện là sản phẩm “cứu cánh” cho thủy sản xuất khẩu của cả nước.

Không thể cạnh tranh trong thu mua tôm nguyên liệu với thương lái đã khiến nhiều doanh nghiệp “mắc kẹt” với những hợp đồng đã ký với nhà nhập khẩu vì trước đây. Bên cạnh đó là nguy cơ không kiểm soát được chất lượng nguyên liệu, đặc biệt là dư lượng kháng sinh và tạp chất, có thể làm ảnh hưởng đến hình ảnh con tôm Việt Nam, ảnh hưởng đến sự nỗ lực chung của Nhà nước và các doanh nghiệp trong thời gian qua về vấn đề kiểm soát kháng sinh, chất lượng tôm nuôi.

Trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam, tôm chế biến chiếm tỷ trọng 31%, tôm nguyên liệu đông lạnh chiếm 69%, trong khi tỷ lệ nhập khẩu sang Trung Quốc lần lượt là 3,6% và 96,3% cho thấy ngành tôm đang bị lệ thuộc vào thị trường dễ biến động này, lãng phí nguồn nguyên liệu chế biến hàng GTGT xuất sang các thị trường khác.

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *