Tiền và Hàng 14/11/2013 08:18

Xuất khẩu thủy sản vẫn hy vọng chủ yếu vào tôm

FICA - Theo dự báo của Vasep, xuất khẩu thủy sản quý IV vẫn hy vọng chủ yếu vào mặt hàng tôm trong khi xuất khẩu cá tra khó hồi phục, cá ngừ và hải sản khác sẽ thấp hơn so với cùng kỳ.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (Vasep), quý III/20113, xuất khẩu thủy sản của cả nước tăng 17,4% đạt trên 1,9 tỷ USD. Trong đó, chỉ mặt hàng tôm tăng mạnh trong quý III, chủ yếu là tôm chân trắng do nguồn cung tôm thế giới giảm mạnh, giá tôm nhập khẩu tăng. Các mặt hàng xuất khẩu khác đều chững lại hoặc giảm. 9 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu thủy sản đi 156 thị trường đạt 4,8 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo dự báo của Vasep, xuất khẩu thủy sản quý IV vẫn hy vọng chủ yếu vào mặt hàng tôm; xuất khẩu cá tra khó hồi phục, xuất khẩu cá ngừ và hải sản khác sẽ thấp hơn so với cùng kỳ, tổng xuất khẩu thủy sản ước đạt khoảng 1,7 tỷ USD, tăng 6,5% so với 1,6 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Dự báo xuất khẩu thủy sản cả năm sẽ cán đích trên 6,5 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2012.

Xuất khẩu tôm tăng mạnh nhờ giá tăng và nhờ tôm chân trắng

9 tháng đầu năm nay, tôm chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất, 43% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, và vượt xa cá tra. Năm nay, tỷ trọng của tôm tăng 7% so với mức 36% cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm năm chỉ bị sụt giảm vào tháng 2 do có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các tháng còn lại hầu hết đều khả quan với mức tăng trưởng 2 con số (20- 66%). Đặc biệt, trong quý III, XK tôm tăng đột biến: tháng 7 tăng 45%, tháng 8 tăng 65,5% và tháng 9 tăng trên 61%.

Theo Vasep, dịch bệnh làm giảm nguồn cung cấp tôm từ nước sản xuất chính như Thái Lan khiến giảm gần 50% tôm nguyên liệu xuất khẩu sang các thị trường; giá tôm tại các thị trường chính tăng 2-4 USD/kg so với năm ngoái. Đáng lưu ý là sự tăng trưởng mạnh của tôm chân trắng đã góp phần lớn cho sự tăng trưởng xuất khẩu tôm. Từ tháng 8, xuất khẩu tôm chân trắng đã vượt tôm sú với giá trị 180 – 190 triệu USD/tháng, tăng gấp 3 lần so với cùng thời điểm năm ngoái và chiếm 54-56% tổng xuất khẩu tôm. Tổng giá trị xuất khẩu tôm chân trắng 9 tháng đầu năm đạt gần 980 triệu USD, tăng 85% so với cùng kỳ và chiếm 47,4% tổng xuất khẩu tôm. Trong khi đó, xuất khẩu tôm sú chỉ tăng 4,8% đạt 943 triệu USD, chiếm 45,7%.

Xuất khẩu tôm trong quý III đạt 961 triệu USD, tăng 57,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm 9 tháng đạt trên 2 tỷ USD, tăng 27%.

Xuất khẩu tôm sang Mỹ có mức tăng trưởng mạnh nhất: 9 tháng đầu năm tăng gần 63%. Riêng trong 3 tháng quý III , xuất khẩu tăng với tốc độ phi mã (tỷ lệ tăng 3 con số): tháng 7 tăng 102%, tháng 8 tăng 145% và tháng 9 tăng 139%. Tỷ trọng của Mỹ trong cơ cấu thị trường nhập khẩu tôm thay đổi đáng kể: tăng từ 20,5% cùng kỳ năm ngoái lên 26,3% trong 3 quý đầu năm nay. Từ tháng 8, Mỹ đã vượt qua Nhật Bản đứng vị trí số 1 về nhập khẩu tôm với trung bình trên 100 triệu USD/tháng. Dự kiến xu hướng này sẽ tiếp tục trong những tháng tới, khi chuẩn bị bước vào mùa Lễ Giáng sinh và Năm mới.

Xuất khẩu cá tra hồi phục chậm

Vasep cho biết, xuất khẩu cá tra năm nay chỉ hồi phục nhẹ vào tháng 3-4 và cao nhất là tháng 5 với gần 175 triệu USD, do vào thời điểm sau Hội chợ Boston và Hội chợ Bỉ, giá tăng nhẹ, còn lại các tháng trong năm chỉ duy trì ở mức ổn định hoặc giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự sụt giảm nhu cầu kéo dài tại các thị trường nhập khẩu chính, nhất là EU, khiến cho người nuôi và doanh nghiệp chật vật, nhiều hộ nuôi bỏ ao, giá cá và nguồn nguyên liệu cá cho chế biến bấp bênh. Do vậy, xuất khẩu khó duy trì được mức ổn định như năm ngoái.

Xuất khẩu cá tra trong quý III đạt 424 triệu USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái và tổng xuất khẩu 9 tháng đạt gần 1,3 tỷ USD, giảm 1,4%. Tỷ trọng của cá tra bị sụt giảm từ 28,6% xuống còn 26,5%.

Xu hướng của xuất khẩu cá tra hầu như biến động theo thị trường Mỹ, trong khi thị trường EU trầm lắng trong suốt hơn một năm qua bởi khủng hoảng kinh tế làm giảm nhu cầu nhập khẩu. Từ tháng 4, Mỹ đã vượt qua EU về giá trị nhập khẩu cá tra. 9 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt gần 300 triệu USD, tăng 2,2% trong khi xuất sang EU đạt 285 triệu USD, giảm 11,2%.

 Xuất khẩu cá ngừ sụt giảm

Cá ngừ và cá biển năm nay có xu hướng giống nhau: chững lại và giảm nhẹ so với năm ngoái. Vasep cho rằng, nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh do lượng tồn kho cá ngừ của thị trường tiêu thụ như EU, Nhật Bản tăng cao sau khi tăng mạnh NK vào năm ngoái; yêu cầu về chất lượng của thị trường cao hơn, trong khi nguồn cá ngừ nguyên liệu để chế biến xuất khẩu không đủ.

Xuất khẩu cá ngừ trong quý III đạt 121 triệu USD, giảm 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng xuất khẩu 9 tháng đạt 415 triệu USD, giảm 4,5%.

 Xuất khẩu mực, bạch tuộc liên tục giảm trong hơn 1 năm qua

Trong suốt 1 năm, từ tháng 7/2012 đến tháng 6/2013, xuất khẩu mực bạch tuộc của Việt Nam liên tục sụt giảm với tốc độ giảm từng tháng 16-30% so với cùng kỳ. Quý III năm nay, xuất khẩu đã có dấu hiệu khả quan hơn, xuất khẩu từng tháng chỉ giảm 1 con số (tháng 7 giảm 1,6%, tháng 8 giảm 6,2% và tháng 9 giảm 7,6%). Thiếu nguyên liệu để chế biến xuất khẩu là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này. Bên cạnh đó,xuất khẩu bị ảnh hưởng mạnh bởi khủng hoảng kinh tế làm giảm nhu cầu nhập khẩu, giá xuất khẩu chững, lượng tồn kho của khách hàng lớn và sự cạnh tranh từ các nước khác như Trung Quốc, Senegal hay Mauritania...

Xuất khẩu mực, bạch tuộc trong quý III giảm 5,4% so với cùng kỳ đạt 117 triệu USD, nhưng do quý I và quý II giảm mạnh trên 20% nên tổng xuất khẩu 3 quý đầu năm giảm 17,2% đạt 309,5 triệu USD.

Cao Minh

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *