Tiền và Hàng 08/05/2014 14:12

Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc tăng đột biến

FICA - Trong những tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo tăng vọt hơn 50%. Hiện Trung Quốc cũng chiếm gần 40% lượng gạo xuất khẩu từ Việt Nam.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo sang các thị trường hầu hết đều giảm sút mạnh, tuy nhiên thị trường Trung Quốc vẫn tăng mạnh 51%. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Trung Quốc giữ vị trí là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.

Theo VFA, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh sẽ bù đắp sự giảm sút từ các thị trường khác do cạnh tranh với Thái Lan tuy nhiên không loại trừ lo ngại, Việt Nam sẽ nhận quả đắng khi phụ thuộc quá lớn vào đối tác Trung Quốc.

Số liệu mới công bố từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,04 triệu tấn và 931 triệu USD. Trong đó, đứng thứ nhất là thị trường Trung Quốc với 38,37% thị phần, tiếp đến là Gana, Singapore, chiếm thị phần lần lượt là 4,8% và 3,79%.

Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu gạo nhiều nhất trên thế giới. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Trung Quốc sản xuất khoảng 142,3 triệu tấn gạo so với tiêu thụ khoảng 146 triệu tấn. Nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2013 - 2014 dự kiến khoảng 3,5 triệu tấn.

Trung Quốc đang đặt mục tiêu sản lượng ngũ cốc cao hơn và tự túc gạo với sự hỗ trợ của Chính phủ và hiện đại hóa nông nghiệp trong 10 năm tới, theo báo cáo của Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc.

Triển vọng Nông nghiệp Trung Quốc 2014-23 dự báo sản lượng 3 loại ngũ cốc quan trọng tại nước này là lúa mì, gạo và bắp sẽ ở mức khoảng 578 triệu tấn vào năm 2013, so với yêu cầu khoảng 596 triệu tấn. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc muốn bảo đảm tự túc gạo đầy đủ.

Trung Quốc dự báo sản lượng gạo sẽ tăng đến khoảng 204 triệu tấn trong năm 2023 (tăng khoảng 43% so với sản lượng hiện tại khoảng 143 triệu tấn), cao hơn khoảng 1 triệu tấn so với nhu cầu dự kiến khoảng 203 triệu tấn. Ưu tiên hàng đầu trong tương lai của Trung Quốc là tự túc lúa mì và gạo.

Chiến lược an ninh lương thực quốc gia Trung Quốc bao gồm: ngăn chặn giảm diện tích gieo trồng dưới 120 triệu ha (mức giới hạn); thúc đẩy khoa học và công nghệ nông nghiệp, cơ giới hóa nông trại; mở rộng trợ cấp nông nghiệp và khuyến khích nông dân xây dựng các cơ sở kinh doanh mới.

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *