Tiền và Hàng 05/04/2015 08:31

Xuất khẩu gạo, đâu là ánh sáng trong đường hầm tối?

Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ đến từ thị trường Trung Quốc mà còn đến từ nhiều thị trường khác. Vậy đâu là lời giải cho bài toán hóc búa này?

Chồng chất khó khăn

Cuối cùng, những dự báo về khó khăn của thị trường xuất khẩu gạo đã trở thành hiện thực. Nguyên nhân được xác định là do Trung Quốc thay đổi chính sách điều hành cùng việc chậm trễ cấp hạn ngạch nhập khẩu gạo. Điều đó đã gây ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Theo thống kê của Bộ Công thương, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất. Cụ thể, năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu được 6,5 triệu tấn gạo, trong đó, thị trường Trung Quốc đã nhập khẩu 2,1 triệu tấn gạo, chiếm 32%; Philippines 1,4 triệu tấn gạo; châu Phi 800.000 tấn gạo, Malaysia 450.000 tấn gạo; CuBa 300.000 tấn gạo và các thị trường khác khoảng 1,1 triệu tấn gạo.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), khó khăn sẽ đến từ việc Trung Quốc sẽ kiểm soát và ngăn chặn chặt chẽ việc nhập khẩu theo hình thức mậu biên qua biên giới và tăng cường nhập khẩu gạo theo đường chính thức từ nhiều nguồn cung cấp với giá thấp của Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan…

Theo báo cáo tổng kết ngành công thương, trong năm 2014 ngoài xuất khẩu hơn 2 triệu tấn theo đường chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp của nước ta còn xuất khẩu vào thị trường này khoảng 1 triệu tấn gạo theo đường tiểu ngạch.

Trong khi đó, giá gạo của thế giới tiếp tục giảm. Mới đây Hiệp hội lương thực Việt Nam lại một lần nữa phải điều chỉnh giảm giá sàn gạo 25%/tấn xuất khẩu xuống còn 360USD/tấn, giảm 20 USD/tấn so với lần giảm gần nhất vào tháng 11.2014 và giảm 50 USD so với lần giảm trước nữa vào tháng 7.2014.

Việc giảm giá sàn gạo xuất khẩu của Việt Nam lần này do bị ảnh hưởng của thị trường và dự báo nguồn cung của thế giới sẽ tăng. Nhưng trên thực tế, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhu cầu gạo năm 2015 của thế giới ở mức 41,6 triệu tấn, thấp hơn năm 2014 khoảng gần nửa triệu tấn.

Trong khi đó, một cường quốc đứng nhất thế giới về xuất khẩu gạo là Thái Lan lại tăng sản lượng. Cụ thể, năm 2015 Thái Lan sẽ xuất khẩu 10,8 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2014. Theo báo cáo này, giá gạo của Thái Lan lại rất cạnh tranh do bán gạo dự trữ của Chính phủ. Ấn Độ là nước đứng thứ nhì về xuất khẩu gạo dự báo năm nay cũng sẽ xuất khẩu 8,7 triệu tấn gạo.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nêu rõ, quý I năm nay các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không có nhiều hợp đồng lớn, nguồn cung trên thị trường gia tăng nên áp lực cạnh tranh lớn. Theo số liệu của Tổng cục Thông kê, trong quý I/2015, cả nước ước xuất khẩu được hơn một triệu tấn gạo, giá trị hơn 450 triệu USD, giảm 26% về lượng và 30% về giá  trị so với cùng kỳ năm trước.

Giải pháp nào cho Việt Nam?
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, lượng gạo xuất khẩu tháng 2 ước đạt 200.000 tấn, giá trị 90 triệu USD đưa khối lượng xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm ước đạt 526.000 tấn và 243 triệu USD, giảm 33,1% về khối lượng và giảm 34,0% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. 
Đây được coi là mức xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất trong suốt hơn một năm qua. Giá gạo xuất khẩu bình quân tháng một đạt 470,5 USD một tấn, giảm 1,36% so với cùng kỳ năm 2014.

Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 1.4.2015, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, những khó khăn của thị trường xuất khẩu gạo dù lớn nhưng đã nằm trong dự báo. Để ngăn chặn đà suy giảm trong những quý tiếp theo, Bộ sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm thị trường mới, tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do đã và sắp ký kết nhằm phục hồi tình hình.

Đó là giải pháp trước mắt, còn về giải pháp lâu dài, theo ông Đỗ Hà Nam – Giám đốc Công ty Cổ phần  Tập đoàn Intimex và là chuyên gia hàng đầu về ngành hàng nông thổ sản xuất khẩu chia sẻ, chúng ta phải giảm diện tích, trồng những loại lúa có chất lượng cao. Đồng thời, các doanh nghiệp cùng đầu tư với nông dân từ khâu trồng chăm sóc và mua lúa ngay sau khi thu hoạch.

Ông cho biết thêm, việc thu mua tạm trữ lúa, gạo của Chính phủ rất quan trọng, nó sẽ đảm bảo an sinh xã hội và điều tiết được giá bán gạo xuất khẩu. Khi giá gạo xuất khẩu rất rẻ, Chính phủ muốn giữ được giá ổn định cần hỗ trợ, bù giá cho nông dân.

 

Để làm được điều này chúng ta cần xây dựng một nguồn ngân sách nào đó như các nước người ta đang làm. Ví dụ, mỗi một tấn gạo xuất đi thì hỗ trợ cho nông dân một khoản tiền nào đó. Tiền phải giao thẳng cho họ nhưng họ phải xác nhận được lượng hàng cụ thể.

 

Chuyên gia Nguyễn Đình Bích cũng cho rằng, vấn đề xây dựng thương hiệu cho gạo Việt cùng việc mở rộng thị trường luôn là một bài toán hóc búa khi nhiều năm trôi qua vẫn chưa có lời giải đáp.

 

“Với tình hình thương mại gạo thế giới như hiện nay, Việt Nam cần phải đẩy mạnh hơn nữa chiến lược đa dạng hóa thị trường trong thời gian tới” – chuyên gia nhấn mạnh.

Theo Hoàng Long

Một thế giới

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *