Tiền và Hàng 22/10/2014 14:38

Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang trợ cấp cho người tiêu dùng Trung Quốc?

FICA - Theo TS. Thành, Việt Nam lại xuất khẩu rất nhiều gạo, và gần một nửa gạo được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trong khi chính phủ thường xuyên có các chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi và cơ sở vật chất cho sản xuất lúa gạo, thì gạo Việt Nam lại xuất khẩu với giá rất rẻ và như vậy vô tình trợ giá cho người tiêu dùng nước ngoài, trong đó có Trung Quốc.

Kể từ cuối thập kỷ 1980 đến nay, ngành lúa gạo của Việt Nam đã phát triển liên tục theo định hướng gia tăng sản lượng. Diện tích trồng lúa tăng từ 6 triệu ha năm 1990 lên gần 7.7 triệu ha năm 2000, và 7.8 triệu ha từ năm 2000 trở lại đây.

Gạo xuất khẩu chiếm khoảng 20% tổng sản lượng gạo của cả nước và xuất khẩu gạo của Việt Nam chiếm khoảng 20% lượng gạo xuất khẩu trên toàn thế giới. Sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh từ 2005 và ĐBSCL chiếm 95% tổng lượng gạo xuất khẩu.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam chiếm khoảng 20% lượng gạo xuất khẩu trên toàn thế giới (Ảnh minh họa)
Xuất khẩu gạo của Việt Nam chiếm khoảng 20% lượng gạo xuất khẩu trên toàn thế giới (Ảnh minh họa)
 

Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam chủ yếu là châu Á, chiếm 59% và châu Phi, chiếm 24%. Gần đây xuất khẩu gạo theo hình thức G2G (các hợp đồng xuất khẩu chính phủ) có xu hướng giảm dần từ 70% năm 2007 xuống 42,7% năm 2009 và 20% trong giai đoạn 2012-2013.

 

Tuy cùng một chủng loại gạo nhưng giá gạo xuất khẩu Thái Lan có giá cao nhất và giá gạo của Việt Nam lại thấp nhất. Ví dụ cùng gạo hạt dài chất lượng cao nhưng của Thái Lan vào tháng 12/2012 có giá 592USD/tấn trong khi đó của Việt Nam chỉ 415USD/tấn. Tương tự, gạo thơm Hom Mali của Thái Lan có giá  1.025USD/tấn còn gạo thơm của Việt Nam 5% tấm chỉ có giá 635USD/tấn.

 

Một điều đáng chú ý là thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc tăng nhanh trong 3 năm gần đây, từ tỷ trọng 1,87% năm 2010 lên 5,32% năm 2011, 28,23% năm 2012 và 36,7% năm 2013.

 

“Sản phẩm gạo ở Việt Nam được trợ cấp rất mạnh mẽ ở đầu vào trong các khâu như thủy lợi, cơ sở hạ tầng, vật tư nông nghiệp…Khi chúng ta trợ cấp gạo và chúng ta tự cung tự cấp gạo thì không sao, nhưng chúng ta lại xuất khẩu rất nhiều gạo được trợ cấp thì vô hình chung người trong nước trợ cấp cho người tiêu dùng nước ngoài. Đây là điều tối kỵ trong thương mại quốc tế,” TS. Nguyễn Đức Thành, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), đại diện cho Liên minh “Vì quyền của nông dân và hiệu quả của nền nông nghiệp Việt Nam” – gọi tắt là “Liên minh Nông nghiệp” cho biết.

 

Xuất khẩu gạo của Việt Nam chiếm khoảng 20% lượng gạo xuất khẩu trên toàn thế giới (Ảnh minh họa)
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), một thành viên của Liên minh “Vì quyền của nông dân và hiệu quả của nền nông nghiệp Việt Nam”  (Ảnh: T.Nguyên)

 

Theo TS. Thành, Nhật, Mỹ và các nước châu Âu trợ cấp rất nhiều là để bảo vệ cho sản xuất nông nghiệp tồn tại và bảo vệ cho người tiêu dùng trong nước. Trong khi đó, ở Việt Nam lại xuất khẩu rất nhiều gạo, và gần một nửa gạo được xuất khẩu sang Trung Quốc. Người thành thị ở Việt Nam đóng thuế và một phần thuế này dùng để trợ cấp cho xây dựng cầu đường ở nông thôn nhưng chi phí này không được tính trong giá thành gạo. Khi sản phẩm bán trở lại cho người thành thị thì không có vấn đề gì vì điều này làm lợi cho người tiêu dùng trong nước nhưng gạo này lại xuất khẩu ra nước ngoài với giá rẻ thì người đóng thuế ở Việt Nam đang phải trợ cấp cho người tiêu dùng hàng nông sản Việt Nam ở nước ngoài. 

 

Cần tập trung phát triển thị trường nội địa

 

Dựa trên kết quả “Nghiên cứu phân tích ảnh hưởng của cấu trúc ngành lúa gạo lên lợi ích của người sản xuất nhỏ ở Việt Nam,” Liên minh Nông nghiệp kiến nghị Chính phủ nên có chính sách hướng về thị trường nội địa vốn chiếm 80% sản lượng lúa gạo của Việt Nam và xây dựng thị trường, với các thương hiệu gạo khác nhau, phục vụ chính người Việt Nam. Chính phủ nên bãi bỏ thuế VAT với tiêu thụ gạo trong nước.

 

“Chúng tôi ủng hộ quan điểm linh hoạt quĩ đất trồng lúa. Thay vì qui định cứng 3,8 triệu ha quĩ đất trồng lúa, Chính phủ nên phân quĩ này thành hai nhóm: đất chuyên dụng trồng lúa do có lợi thể cạnh tranh hơn hẳn các loại cây trồng hàng năm khác; đất có khả năng dễ dàng chuyển đổi sang các loại cây trồng hàng năm khác trong trường hợp trồng lúa không cạnh tranh bằng, và ngược lại,” TS Thành nói.

 

Chính phủ cũng nên xem xét lại một loạt chính sách liên quan đến ngành lúa gạo như: thu mua tạm trữ gạo, quy định đảm bảo 30% lợi nhuận cho nông dân, quy định về điều kiềm trở thành doanh nghiệp xuất khẩu gạo,  chính sách về xây dựng kho dự trữ gạo… bởi hiện nay các chính sách này đang lấy doanh nghiệp xuất khẩu làm trọng tâm chứ không phải là người nông dân sản xuât nhỏ.

 

Đi đôi với sản xuất nông nghiệp, cần phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ phục vụ cho nông nghiệp để hút lao động nông thôn. Cần tính chi phí trợ ấp cho thủy lợi và hạ tầng vào giá gạo xuất khẩu để tránh trợ cấp tiêu dùng cho nước ngoài.

 

Liên minh Nông nghiệp cũng đề xuất Chính phủ nên nới lỏng một số chính sách như điều kiện trở thành doanh nghiệp xuất khẩu gạo để tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh; đồng thời nới lỏng quy chế hạn điền để khuyến khích tích tụ ruộng đất quy mô lớn. Cần phát triển cơ chế tài chính vi mô và bảo hiểm phù hợp cho nông dân, định hướng lại Vinafood 1 và Vinafood 2 theo hướng thiên về thực thi chính sách, và tổ chức lại Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) để đảm bảo Hiệp hội phải có sự hiện diện của doanh nghiệp tư nhân, chính quyền địa phương và nông dân.

 

Thảo Nguyên
Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *