Tiền và Hàng 01/12/2013 17:28

Xuất khẩu gạo: Chính ngạch khó khăn, tiểu ngạch nhộn nhịp

FICA - Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính từ đầu năm đến nay, lượng gạo xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang biên giới phía Bắc chiếm 1.200.000 tấn gạo. Trong khi đó đường chính ngạch còn nhiều khó khăn, đường tiểu ngạch lại nhộn nhịp.

 

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, tính đến hết tháng 9/2013, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc đạt khoảng 1,764 triệu tấn, chiếm khoảng 33% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Trong bối cảnh thị trường khó khăn, để đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần tiêu thụ lúa, gạo cho người nông dân sản xuất lúa, cuối tháng 5 năm 2013, Bộ Công Thương đã đồng ý thực hiện thí điểm xuất khẩu gạo qua một số khu vực biên giới thuộc địa bàn tỉnh Lào Cai trên nguyên tắc thương nhân xuất khẩu phải đảm bảo các điều kiện về kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định và đảm bảo điều kiện hạ tầng cũng như thực hiện công tác quản lý cần thiết phục vụ xuất khẩu để không ảnh hưởng đến việc giao hàng và chất lượng hàng hóa. Thực tế, tỉnh Lào Cai đã triển khai thực hiện từ tháng 8/2013.

Tuy nhiên, thời gian qua, có thông tin cho rằng, một lượng gạo lớn lên tới hàng triệu tấn được xuất khẩu theo đường tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc. Để làm rõ thông tin này, Bộ Công Thương đã đề nghị Tổng cục Hải quan cung cấp thông tin, số liệu về xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời, đề nghị các địa phương liên quan rà soát, báo cáo về tình hình xuất khẩu gạo qua biên giới trên địa bàn.

Thứ trưởng dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến ngày 15/10/2013, tổng lượng gạo xuất qua biên giới phía Bắc có làm thủ tục hải quan là 330,4 nghìn tấn trị giá đạt 142.477 USD. Về địa bàn, gạo chủ yếu xuất khẩu qua các cửa khẩu Lào Cai ( 314,5 nghìn tấn, chiếm 95% tổng lượng gạo xuất qua biên giới phía Bắc); một số lượng nhỏ xuất qua biên giới các tỉnh Lạng Sơn (8,8 nghìn tấn, Hà Giang (6,9 nghìn tấn) và Điện Biên (0,2 nghìn tấn).

Theo Thứ trưởng, việc xuất khẩu gạo qua biên giới theo đường tiểu ngạch, mặc dù có những tác dụng nhất định góp phần tiêu thụ lúa gạo hàng hóa cho người sản xuất và phát triển thương mại khu vực biên giới song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với thương nhân xuất khẩu gạo tương tự như đối với nhiều mặt hàng nông sản của ta đã gặp phải thời gian qua như xuống cấp về chất lượng, quá tải, ách tắc trong bảo quản, vận chuyển, nguy cơ bị ép giá và rủi ro thanh toán, v.v...

"Vì vậy, để tăng cường quản lý nhà nước, giảm thiểu những rủi ro, bất lợi có thể phát sinh, đối với xuất khẩu gạo theo đường biên mậu và trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Sở Công Thương các tỉnh có chung đường biên giới với Trung Quốc theo dõi sát tình hình xuất khẩu thóc, gạo theo đường biên mậu và trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới và báo cáo định kỳ về Bộ Công Thương", ông nói.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cũng cho rằng, các địa phương liên quan, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần tăng cường công tác quản lý, giám sát, điều phối hoạt động kinh doanh của thương nhân theo quy định để vừa tận dụng được cơ hội thị trường, vừa đảm bảo phù hợp với khuôn khổ pháp luật quy định và tránh được những diễn biến bất lợi tới hiệu qảu kinh doanh của thương nhân và thương hiệu gạo Việt Nam khi xuất khẩu qua con đường này.

Cao Minh

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *