Tiền và Hàng 27/04/2015 07:20

Vốn rót nhiều nhưng nông dân vẫn nghèo

Theo chỉ đạo của Chính phủ, nhiều nguồn vốn vay từ ngân hàng đã được rót vào nông nghiệp tại ĐBSCL. Tuy nhiên, do điều kiện sản xuất của vùng còn nhiều hạn chế nên chưa phát huy hiệu quả

Dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn (NNNT) ở vùng ĐBSCL hiện đạt khoảng 163.000 tỉ đồng, tăng gần 2% so với cuối năm 2014, chiếm 22% trên tổng dư nợ cho vay NNNT trên toàn quốc và chiếm trên 46% tổng dư nợ của vùng. Trong đó, riêng dư nợ cho vay trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ thủy sản, lúa gạo là 59.586 tỉ đồng. Hiện hầu hết các ngân hàng (NH) lớn đã có mặt tại ĐBSCL... Đây là các con số vừa được NH Nhà nước công bố.

Theo ông Võ Minh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NH Nhà nước, những nỗ lực của ngành NH đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ra sự chuyển biến tích cực của kinh tế vùng ĐBSCL. Nhờ các chính sách của NH Nhà nước mà vùng ĐBSCL có điều kiện phát triển. Trong đó, phải kể đến việc đẩy mạnh nuôi trồng và chế biến thủy sản, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ giới hóa tăng năng suất và chất lượng sản phẩm…

Nhiều năm gần đây, các ngân hàng rất dè dặt cho vay đối với ngành cá tra

Nhiều năm gần đây, các ngân hàng rất dè dặt cho vay đối với ngành cá tra

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát NH Nhà nước, dù nhiều nguồn vốn đã rót vào ĐBSCL nhưng kết quả đạt được của vùng chưa xứng với tiềm năng. Nguyên nhân xuất phát từ cơ chế chính sách chưa đồng bộ, thiếu nhất quán, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, lao động trình độ thấp…

Bên cạnh đó, vai trò điều tiết sản xuất kinh doanh, định hướng kinh tế trong vùng của tín dụng NH vẫn còn khiêm tốn. Vì vậy, thu nhập của nông dân chưa tương xứng với công sức mà họ bỏ ra. Theo tính toán, mỗi hộ có 4 người, canh tác khoảng 1 ha đất lúa thì mỗi năm nông dân chỉ thu nhập trung bình khoảng 4,2 triệu đồng (tương đương 200 USD), đây là thu nhập bình quân đầu người của nước ta trước thời kỳ đổi mới. Chưa tính đến việc nông dân phải đóng một số khoản phí khác.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT, phân tích: “Thực tế, các NH vẫn thích cho doanh nghiệp vay hơn vì vốn giải ngân tới hộ nông dân thường nhỏ mà chi phí giám sát lớn, rủi ro cao do tác động của thiên tai, dịch bệnh và khó khăn trong việc kiểm soát và cưỡng chế người vay. Hiện nay, chỉ có NH Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và NH Chính sách Xã hội là hoạt động rộng rãi tại nông thôn. Các thủ tục liên quan đến tài sản thế chấp là đất đai là lý do khiến nhiều NH ngại cho nông dân vay”.

“Chính phủ và chính quyền các tỉnh ĐBSCL cần có quy hoạch tổng thể cho toàn vùng, trong đó nhấn mạnh sự liên kết, phối hợp giữa các địa phương. Tín dụng NH cần hướng vào sản xuất quy mô lớn, triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù của vùng. Đặc biệt chú trọng nguồn vốn vay tài trợ cho các dự án có liên kết chặt theo chuỗi từ khâu sản xuất, chế biến, tới tiêu thụ, xuất khẩu…” - PGS-TS Tô Ngọc Hưng, Học viện NH, đề xuất.

 
Theo Ca Linh
NLĐ
Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *