Tiền và Hàng 23/04/2015 21:19

Việt Nam “vô địch” Đông Nam Á về xuất khẩu xi măng!

FICA - Sau nhiều năm phải nhập khẩu, từ năm 2010, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu xi măng và clinker. Đến năm 2014 ngành xi măng xuất khẩu đạt 21,1 triệu tấn, chiếm 30% sản lượng tiêu thụ toàn ngành với trị giá 912,4 triệu USD, tăng gấp 10 lần so với năm 2010.

Tại hội thảo “Xuất khẩu xi măng hướng tới tăng trưởng bền vững” do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức ngày 23/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, trong những năm gần đây, với việc các doanh nghiệp xi măng Việt Nam đã liên tục mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư nhiều dây chuyền công nghệ sản xuất tiên tiến đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nước sản xuất lớn về xi măng trong khu vực.

Sau nhiều năm phải nhập khẩu, từ năm 2010, Việt Nam đã xuất khẩu xi măng và clinker. Đến nay, sau 4 năm gia nhập nhóm các mặt hàng xuất khẩu, ngành xi măng đã xuất khẩu với mức tăng trưởng nhanh và ấn tượng, trở thành quốc gia xuất khẩu xi măng đứng đầu các nước Đông Nam Á.

Thứ trưởng đánh giá, xuất khẩu xi măng đã đem lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, góp phần bình ổn cho thị trường tiêu thụ, giúp giảm bớt gánh nặng cho tiêu thụ nội địa, đồng thời giảm lượng tồn kho, góp phần điều tiết lượng hàng của ngành, cân đối cung cầu chứ không là giải pháp tình thế như trước đây. Ngoài ra, với con số xuất khẩu gần 1 tỷ USD trong năm 2014, ngành xi măng đã góp phần vào tăng nguồn thu ngoại tệ và thu hẹp cán cân thanh toán của cả nước.

Tại hội thảo, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết thêm, hiện nay, Việt Nam có 106 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh trong ngành xi măng với 74 dây chuyền sản xuất xi măng thì tổng công suất thiết kế của ngành đã đạt mức 82 triệu tấn xi măng/năm, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và đã xuất khẩu một phần ra thị trường thế giới.

Năm 2014 ngành xuất khẩu đạt 21,1 triệu tấn, chiếm 30% sản lượng tiêu thụ toàn ngành với trị giá 912,4 triệu USD, tăng gấp 10 lần so với năm 2010 là năm đầu tiên Việt Nam xuất khẩu xi măng, clinker.

Về thị trường xuất khẩu chính của ngành công nghiệp xi măng Việt Nam trong năm 2014 là Bangladesh với xấp xỉ 8,4 triệu tấn xi măng và clinker, đạt 322,7 triệu USD (chiếm 35,36% tổng giá trị xuất khẩu); tiếp đến là Indonesia với 2,6 triệu tấn, trị giá 123 triệu USD (chiếm 13,48%), Malaysia gần 1,3 triệu tấn, trị giá 62 triệu USD chiếm 6,79% và Philippines với 1,15 triệu tấn, trị giá 44,2 triệu USD chiếm 4,84%.

Cục Xuất nhập khẩu cũng cho biết, với 912,44 triệu USD về giá trị xuất khẩu, nguồn ngoại tệ từ xuất khẩu xi măng đã góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu chung của các nước, đồng thời giúp bình ổn cán cân thương mại. Trong năm 2014, Việt Nam có 20 doanh nghiệp đạt kim ngạch nhập khẩu cao trên 10 triệu USD chiếm tỷ trọng 10%. Trong đó, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu The Vissai là đơn vị xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch trong năm 2014 đạt 142,8 triệu tấn USD. Đứng vị trí thứ hai là Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam với kim ngạch đạt 688,5 triệu USD. Xếp thứ ba là Công ty xi măng Chinfon đạt kim ngạch 67 triệu USD.

Ông Hải đánh giá, trong những năm qua, ngành xi măng đã đóng góp một phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, ngành xi măng trong nước cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như tình trang cung vượt cầu nhiều, giá điện, than, xăng dầu và các nguyên liệu đầu vào khác vẫn đang tiếp tục tăng cao.

Xuất khẩu trong thời gian qua đã và đang là lối thoát cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước, giảm áp lực tồn đọng sản phẩm do cung vượt cầu. Để xuất khẩu xi măng đạt hiệu quả và có tính bền vững thì trong sản xuất xi măng, năng lượng nói chung, năng lượng điện nói riêng chiếm tỷ trọng khá lớn trong sản xuất, trong khi chi phí này ngày một tăng. Do vậy các doanh nghiệp cần quan tâm đến đổi mới công nghệ sản xuất tiết kiệm nhiên liệu, ít gây ô nhiễm môi trường, nâng cao năng lực quản lý, áp dụng các giải pháp để tiếp kiệm điện năng.

Trong tiêu thụ, ông Hải cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần đảm bảo hài hòa giữa tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm bằng việc hợp lý hóa quy trình vận chuyển để tiết kiệm thời gian, chi phí, gây ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm...

Bích Diệp

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *