Tiền và Hàng 10/07/2018 07:44

Việt Nam trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: “Đây không thể là cơ hội được!”

“Có ý kiến cho rằng đây là cơ hội cho hàng hóa của Việt Nam, nhưng chúng tôi thấy đây không thể là cơ hội được. Hiện nay kinh tế Việt Nam có độ mở tương đối cao. Các vấn đề như vậy đều có tác động đến Việt Nam”, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhận định.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị giao ban sơ kết diễn ra ngày 9/7, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết đã có báo cáo lên Chính phủ những nhận định ban đầu cũng như một số đề xuất cụ thể khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chính thức bắt đầu.

Bộ trưởng nhấn mạnh đây là vấn đề lớn, phản ánh nhiều khía cạnh chứ không chỉ đơn thuần là chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế Mỹ - Trung Quốc.

"Cuộc chiến không chỉ đơn thuần về thuế, đây còn là cuộc chiến về bản quyền công nghệ, chính sách tiền tệ tín dụng, cơ cấu kinh tế... Cuộc chiến đặt ra những yêu cầu cho từng quốc gia riêng rẽ trong định hướng tiếp theo của toàn cầu hóa", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Do vậy, Bộ trưởng Công Thương cho rằng, cần phải có những đánh giá sâu hơn ở nhiều khía cạnh khác nhau. Hiện nay không chỉ riêng Trung Quốc, Mỹ đang áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ngay cả với các nước đồng minh.

Liên quan tới vấn đề này, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: Đã có rất nhiều dự báo về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

“Có ý kiến cho rằng đây là cơ hội cho hàng hóa của Việt Nam, nhưng chúng tôi thấy đây không thể là cơ hội được. Hiện nay kinh tế Việt Nam có độ mở tương đối cao. Các vấn đề như vậy đều có tác động đến Việt Nam”.

Vị này cũng cho biết, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bây giờ mới bắt đầu và không biết khi nào kết thúc, có thể sau một tháng, cũng có thể một năm hoặc lâu hơn nữa. Do vậy, việc kêu gọi xây dựng chiến lược để ứng phó rất khó khăn.

Theo nhận định của ông Chinh, rất có thể cuộc chiến sẽ ảnh hưởng tới các nước xuất siêu qua Mỹ và đây sẽ là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam.

Việt Nam cần làm gì?

Nhấn mạnh tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, chúng ta cần định hướng nâng cao chiến lược xuất nhập khẩu theo hướng bền vững, trong đó tăng trưởng xuất khẩu cả về chiều rộng và chiều sâu.

Có thể thấy hiện nay xuất khẩu theo chiều rộng đã đạt được kết quả tích cực nhưng cần đánh giá theo khía cạnh về chiều sâu. Bộ trưởng cho rằng cần phải chú trọng đến chính sách tạm nhập tái xuất của Việt Nam, nhất là trong thời điểm xung đột thương mại tác động trực tiếp đến quan hệ Việt Nam và các nước láng giềng.

Bộ trưởng cũng đưa ra cảnh báo về nguy cơ lớn về hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam. Do đó, bối cảnh đòi hỏi vai trò quản lý Nhà nước không chỉ ở Bộ Công thương mà còn là cơ quan Thuế, hải quan, doanh nghiệp, người tiêu dùng…

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cảnh báo nguy cơ biến động tỷ giá giữa đồng nhân dân tệ và USD tác động tới thương mại Việt Nam và đề nghị các đơn vị trong Bộ cùng có biện pháp để ứng phó.

Trước đó, ngày 6/7, Mỹ và Trung Quốc chính thức bước vào "cuộc chiến thương mại lớn nhất lịch sử kinh tế" khi áp các mức thuế mới lên hàng chục tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ mỗi bên.

Danh sách các sản phẩm mới nhất của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế bao gồm 1.102 sản phẩm với giá trị nhập khẩu 50 tỷ USD. Nhìn chung các mặt hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là máy móc, thiết bị cơ khí, thiết bị điện, tạp phẩm và xe cộ, máy bay.

Về phía Trung Quốc, bắt đầu áp đặt mức thuế 25% cho 545 loại sản phẩm của Mỹ trị giá 34 tỷ USD bao gồm đậu tương, thịt bò, rượu whisky và xe off-road kể từ ngày 6/7. Trung Quốc cũng đe doạ áp thuế cao hơn đối với 16 tỷ USD xuất khẩu của Mỹ, nhắm vào các hàng hoá năng lượng như than đá và dầu thô…

Đồng thời với động thái với Trung Quốc, Mỹ cũng tuyên bố áp dụng thuế nhập khẩu 25% với thép và 10% với nhôm đối với một số đồng minh là Canada, Mexico và EU từ ngày 1/6/2018.

Các quốc gia này cũng có động thái đáp trả. Mexico tuyên bố tăng thuế 25% đối với các sản phẩm bơ, thép và rượu whiskey và 20% đối với thịt lợn, táo và khoai tây nhập khẩu từ Mỹ (trị giá 3 tỷ USD) vào tháng 6/2018. Canada sẽ áp thuế từ 10-25% đối với 12,8 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ bắt đầu từ ngày 1/7/2018. EU đáp trả bằng cách áp thuế 25% đối với 200 sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, tổng trị giá lên tới 3,3 tỷ USD vào cuối tháng 6/2018.

Nguyễn Khánh

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *