Tiền và Hàng 03/03/2015 14:26

Việt Nam ở đâu trên "bản đồ" phân bón thế giới?

FICA - Tổng sản lượng sản xuất urê toàn cầu trong năm 2013 đạt khoảng 170 triệu tấn; trong đó Trung Quốc là nước sản xuất urê lớn nhất, chiếm 40% tổng sản lượng. Việt Nam khả năng cung ứng nội địa hiện đạt 2,66 triệu tấn, nhu cầu tiêu thụ dự kiến khoảng 2,2 triệu tấn.

Theo báo cáo cập nhật ngành phân bón do Công ty chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) vừa công bố, sản phẩm urê mang tính toàn cầu cao do tính chất dễ vận chuyển, trong khi giá urê sau khi điều chỉnh chi phí vận chuyển và thuế xuất/nhập khẩu lại không có sự chênh lệch lớn giữa các thị trường. Công nghệ sản xuất urê dựa vào khí đốt là phổ biến nhất trên thế giới, và các nhà xuất khẩu urê hàng đầu là những quốc gia hay khu vực có nguồn khí đốt dồi dào.

Việt Nam phải nhập khẩu phân bón mỗi năm

Theo VPBS, trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2014, tổng nhu cầu và nguồn cung phân bón trong nước ước tính tăng trưởng với tốc độ CAGR lần lượt là 6,4% và 11,6%. Trong năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ước tính tổng cầu là 10,76 triệu tấn, gồm 2,2 triệu tấn urê, 900 nghìn tấn SA, 960 nghìn tấn kali, 900 nghìn tấn DAP, 4 triệu tấn NPK và 1,8 triệu tấn phân lân.

Sản xuất trong nước hiện đáp ứng tất cả các nhu cầu về urê (công suất sản xuất vượt xa nhu cầu), NPK và phân lân. Tất cả các nhu cầu cho SA và kali vẫn phải nhập khẩu trong khi đó sản xuất DAP chỉ mới đáp ứng 30% nhu cầu.


Tuy nhiên, nhu cầu phân bón tăng trưởng chậm lại trong những năm gần đây. Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), tổng nhu cầu phân bón ở Việt Nam ước đạt 11 triệu tấn trong năm 2014, tăng 4% so với năm trước; tốc độ tăng trưởng của mỗi loại phân bón khác nhau, với nhu cầu cho urê, kali và phân lân gần như không thay đổi hoặc chỉ giảm nhẹ trong khi nhu cầu cho NPK và DAP lại tăng nhẹ. 

Tổng nhu cầu urê trong nước dự kiến đạt 2,20 triệu tấn vào năm 2014, trong khi khả năng cung ứng nội địa hiện đạt 2,66 triệu tấn. Nhu cầu phân bón ở Việt Nam sẽ tăng trưởng thấp do chậm mở rộng diện tích gieo trồng và tỷ lệ sử dụng phân bón hiện đang ở mức cao Từ năm 2000 đến năm 2013, tiến độ mở rộng diện tích gieo trồng ở Việt Nam chậm lại với tốc độ CAGR là 1,25%. Việt Nam có tỷ lệ tiêu thụ phân bón (297 kg phân bón trên mỗi ha đất canh tác vào năm 2012) cao hơn các nước trong khu vực ngoại trừ Malaysia (1.570 kg/ha), và cao hơn tỷ lệ trung bình thế giới (141 kg/ha), do đó tốc độ tăng trưởng tiêu thụ phân bón sẽ không cao trong tương lai. 

Trung Quốc sản xuất và xuất khẩu urê lớn nhất thế giới

VPBS dẫn báo cáo từ Hiệp hội Phân bón Thế giới (IFA) cho biết, tổng sản lượng sản xuất urê toàn cầu trong năm 2013 đạt khoảng 170 triệu tấn; trong đó Trung Quốc là nước sản xuất urê lớn nhất, chiếm 40% tổng sản lượng. Phần lớn urê do Trung Quốc sản xuất phục vụ thị trường trong nước (chiếm 35% tổng nhu cầu urê thế giới), nhưng quốc gia này vẫn giữ vị trí đứng đầu trong việc xuất khẩu urê với gần 19% thị phần thế giới.

Ấn Độ là nước sản xuất urê lớn thứ hai, chiếm 14% tổng sản lượng toàn cầu, nhưng lại là nhà nhập khẩu urê lớn nhất. Nhu cầu của nước này chiếm khoảng 18% nhu cầu urê toàn cầu.  

Cùng với Trung Quốc, Biển Đen và Vịnh Ả Rập là hai nhà sản xuất urê chính. Tuy nhiên, nhu cầu urê trong nước của hai khu vực này không đáng kể; hầu hết urê được sản xuất nhằm mục đíchxuất khẩu. Do vậy, các sản phẩm urê này được thương mại rộng rãi trên toàn thế giới và có tác động đến giá urê toàn cầu.

Theo VPBS, các sản phẩm urê Trung Quốc thiết lập giá sàn cho giá urê thế giới, do Trung Quốc với chi phí sản xuất thấp nhất có thể đáp ứng phần chênh lệch giữa cung và cầu urê trên thế giới. Urê sản xuất tại Trung Quốc không thể bán ra các thị trường bên ngoài nếu không có giá bán cao hơn giá trong nước, vì vậy mức giá này cộng thuế xuất/nhập khẩu và chi phí vận chuyển thiết lập mức giá sàn cho urê toàn cầu. 

Mặc dù công nghệ sản xuất urê bằng khí đốt là phổ biến nhất thế giới, nhưng hầu hết các nhà sản xuất urê ở Trung Quốc lại sử dụng than làm nguyên liệu chính (cụ thể là than đá), nhờ vào nguồn cung dồi dào của loại khoáng sản này (Trung Quốc là quốc gia sản xuất than lớn nhất, chiếm 46% tổng sản lượng toàn cầu vào năm 2013 - Nguồn: Hiệp hội Than Thế giới). Giá urê của Trung Quốc (tác động đến giá urê toàn cầu như được đề cập ở trên) và giá than là yếu tố then chốt cho sự thay đổi giá urê ở đất nước này.

Triển vọng thị trường urê năm 2015

Báo cáo của VPBS chỉ ra rằng, thị trường urê hiện đối mặt với sự dư thừa nguồn cung, sẽ khiến giá urê toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm. Trong năm 2014, giá dầu thô WTI đã giảm khoảng 45% trong khi giá bán urê trong nước của Trung Quốc chỉ giảm 15%, nhìn chung sẽ dẫn đến nhận định rằng giá urê sẽ giảm mạnh trong năm 2015. Tuy nhiên, khi giá dầu lao dốc vào quý 4 năm 2014, giá urê đã tăng nhẹ và gần như không đổi trong 2 tháng đầu năm 2015. Nguyên nhân đã được nêu ra ở trên, mối tương quan giữa giá dầu và giá urê là rất nhỏ, thay vào đó giá than đá tại Trung Quốc sẽ quyết định xu hướng giá urê trong năm 2015.

Từ năm 2011 đến năm 2014, giá urê ở Trung Quốc có sự điều chỉnh trễ hơn so với giá than nhưng chưa bao giờ giảm sâu hơn tỷ lệ giảm của giá than trong năm trước đó. Từ sự quan sát này, chúng tôi tin rằng urê Trung Quốc sẽ không giảm hơn 14% trong năm 2015. Bởi vì urê Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đến giá urê tại Việt Nam, VPBS tin rằng tốc độ giảm giá urê Việt Nam sẽ thấp hơn 14% trong năm 2015. 

Trước đó, dự báo giá urê của Ngân hàng Thế giới cũng thể hiện quan điểm tương tự. Theo báo cáo triển vọng thị trường hàng hóa của Ngân hàng Thế giới vào tháng 1 năm 2015, giá urê tại thị trường Biển Đen năm 2015 được dự báo sẽ giảm khoảng 5,12%. Tuy nhiên, VPBS cho rằng giá urê tại Việt Nam có thể giảm hơn mức đó trong năm 2015 do việc mở rộng công suất urê của Công ty TNHH MTV Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc sẽ tạo thêm áp lực cho thị trường trong nước. 

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *