Tiền và Hàng 03/08/2015 23:18

Vì sao giá thịt gà Mỹ rẻ?

Những ngày gần đây, câu chuyện thịt gà Mỹ NK vào Việt Nam có giá rẻ bằng nửa gà Việt làm dấy lên lo ngại cho sự cạnh tranh của thịt gà nội, nhất là khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết. Ngày 3-8, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này.

Thịt gà Mỹ NK vào Việt Nam có giá 20.000 đồng/kg. Vì sao lại có giá rẻ như vậy, thưa ông?

- Để có câu trả lời chính xác và đủ thông tin chúng ta cần có điều tra xem giá thành sản xuất ở Việt Nam bao nhiêu. Thông tin của tôi, giá 1 kg thịt gà lông trắng Việt Nam sản xuất khoảng 29.000-30.000 đồng còn ở Mỹ hiện chưa có thông tin cụ thể để so sánh. Do vậy phải dựa trên con số điều tra thì mới có thể so sánh được, nhưng có thể đưa ra một số nhận xét như sau:

Cuối năm 2014, Mỹ xảy ra trận cúm gia cầm trên quy mô rộng H5N8, 16 bang của Mỹ ảnh hưởng bởi dịch cúm này. Sau khi xảy ra dịch, 30 nước NK thịt gà của nước Mỹ đã phải dừng NK, trong đó có Việt Nam. Tôi cho rằng, có một phần lớn sản phẩm của Mỹ đã được dự trữ lại trong quá trình không xuất được. Theo thông tin do Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố, tổng sản phẩm dự trữ tồn trong kho đông lạnh của Mỹ tăng 27% so với năm 2014.

Đây là con số rất lớn. Về mặt thương mại, khi không xuất được người ta có thể bán với giá thành rẻ hơn so với bình thường bởi việc giữ thịt gà đông lạnh gây tốn chi phí. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân.

Một lý do khác đến từ vấn đề văn hóa của người châu Âu và Bắc Mỹ. Một con gà công nghiệp sau khi đủ trọng lượng để giết mổ thì phần quan trọng nhất và bán được giá đắt nhất ở châu Âu và Bắc Mỹ là lườn gà do dinh dưỡng cao và cholesterol thấp nhất. Tuy nhiên, rất ít người Việt Nam thích ăn lườn gà. Đây là sự khác biệt trong văn hóa. Từ đó, những phần đối với họ là phụ thì lại là những món yêu thích tại Việt Nam và có giá cao hơn. Điều đó đã tạo ra môi trường, đất để các sản phẩm này vẫn được người tiêu dùng Việt Nam yêu thích.

Bộ NN&PTNT đã có động thái như thế nào sau khi có phản ánh từ các phương tiện truyền thông?

- Sau khi có thông tin cụ thể và các cơ quan truyền thông đưa tin, chúng tôi đã cho cán bộ đi khảo sát tại các địa điểm này nhưng không thấy sản phẩm như thế tồn tại trên thị trường. Tuy nhiên, các vụ, cục thuộc Bộ NN&PTNT cần rà soát đánh giá cụ thể để xem chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi chúng ta nhập những sản phẩm này về với giá rẻ như thế liệu có đảm bảo chất lượng và vệ sinh hay không trước khi nghĩ đến chuyện kiện các đối tác về bán phá giá. Mặt khác, chúng ta cũng chưa đủ bằng chứng để kiện, trong khi việc kiện bán phá giá đối với một mặt hàng của Mỹ cần một quy trình thủ tục cũng như nguồn lực về cả con người và tài chính không hề đơn giản. Với góc độ là cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi cho rằng cần phải có thu thập thông tin đầy đủ hơn nữa xem có nên làm việc đó hay không.

Hiện nay, giá thịt gà trong nước đã khó cạnh tranh với nước ngoài và khi TPP ký kết thuế NK nhiều mặt hàng sẽ bằng 0%. Bộ NN&PTNT có chính sách gì để hỗ trợ ngành chăn nuôi?

- Khi TPP hay AEC chưa chính thức có hiệu lực, các sản phẩm chăn nuôi vẫn còn hàng rào thuế cản trở vấn đề này nhưng khi tham gia các FTA, lộ trình đưa tất cả các sản phẩm chăn nuôi về mức thuế 0%. Đây là điều quan trọng mà chúng ta cần vượt qua bởi khi tham gia bất kỳ FTA nào ở góc độ quốc gia chúng ta phải tính đến lợi ích quốc gia đạt được thì mới tham gia.

Theo đó, từng ngành sẽ có tác động nhất định. Với ngành chăn nuôi, sẽ có những bất lợi nhất định khi tham gia TPP. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, vẫn còn đủ thời gian chuẩn bị đối phó với các FTA bằng việc thực hiện tốt các cải cách ngành chăn nuôi để giảm giá thành sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh. Ngoài hàng rào thuế, Việt Nam còn phải áp dụng các hàng rào kỹ thuật, song hàng rào kỹ thuật đòi hỏi phải có phòng thí nghiệm chuẩn, khoa học công nghệ để đảm bảo các mặt hàng NK về Việt Nam đặc biệt là những mặt hàng thực phẩm thịt bò, thịt lợn… đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xin cảm ơn ông!

 
Theo Diệp Anh (ghi)
Báo Hải quan
Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *