Tiền và Hàng 19/10/2015 10:02

Vì sao giá điện chỉ tăng, không giảm?

Theo chuyên gia kinh tế, giá điện đã tăng liên tục trong các năm gần đây mà chưa hề giảm lần nào dù có thời điểm chi phí đầu vào giảm đáng kể như: mùa nước của thủy điện, việc đưa vào vận hành Nhà máy thủy điện Sơn La…

Giá điện cần được xây dựng dài hạn để ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội

Giá điện ở Việt Nam không thấp

 


PGS. TS Nguyễn Minh Duệ - Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho biết: “So sánh với các nước có thu nhập cao (Mỹ, Anh, Pháp…) hay các nước thiếu tài nguyên năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện (Nhật Bản, Hàn Quốc…) để kết luận Việt Nam có giá điện thấp là khập khễnh. Đánh giá giá điện cao hay thấp phải căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội, hoạt động của các doanh nghiệp, thu nhập người dân và cấu trúc của hệ thống điện, đặc biệt nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện. Ở Việt Nam, giá bán điện bình quân (kể cả thuế VAT) - 1.7844,25 đồng/kWh, tương đương 8,3 UScent/kWh  không phải là thấp”. 

Theo PGS. TS Nguyễn Minh Duệ, từ năm 2009 đến nay, giá điện ở Việt Nam đã điều chỉnh tăng 8 lần, mỗi năm tăng giá ít nhất 1 lần, riêng năm 2011 và năm 2012 điều chỉnh tăng 2 lần; mức tăng mỗi lần là 5% (ngày    1- 3-2011, giá điện tăng 15,28% so với năm 2010). Theo quyết định mới nhất, ngày 16-3-2015, giá điện bình quân tăng 7,5%, lên 1.622,05 đồng/kWh. 

Nói cách khác, giá điện đã tăng liên tục trong các năm gần đây mà chưa hề giảm lần nào dù có thời điểm chi phí đầu vào giảm đáng kể như: mùa nước của thủy điện, việc đưa vào vận hành Nhà máy thủy điện Sơn La… “Biểu giá điện hiện nay xây dựng chủ yếu dựa trên chi phí thống kê hoạch toán (chưa đủ độ tin cậy), chưa áp dụng phương pháp phổ biến và hiện đại theo chi phí biên dài hạn, chưa xây dựng biểu giá 2 thành phần: công suất và  điện năng; điều chỉnh giá điện mới chỉ chú ý đến các yếu tố làm tăng chi phí, mà chưa quan tâm đến các yếu tố giảm chi phí như  mùa nước, tăng công suất của các nhà máy thủy điện, việc giảm tổn thất, hạ giá thành của hệ thống”- PGS. TS Nguyễn Minh Duệ nói. Vị chuyên gia này cũng cho rằng, giá điện cần được xây dựng dài hạn để ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội, không nên điều chỉnh ngắn hạn. 

Dẫn ra chi tiết từng khoản chi phí có tác động đến giá điện, song GS.TS Vũ Trọng Hồng - Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, đối với ngành điện, nếu chỉ tập trung thu hồi vốn nhanh với các công trình đã đầu tư (trong khoảng 20-30 năm) thì giá điện đội lên rất nhiều. Công trình điện có tuổi thọ đến 100 năm, khấu hao sẽ giảm dần theo các năm. “Chúng ta cần quan tâm là phải giải trình khấu hao bao nhiêu năm. Ví dụ với thủy điện Sơn La, nếu khấu hao là 30 năm thì giá điện rất cao. Cơ sở hình thành giá điện phụ thuộc vào khấu hao công trình và chi phí vận hành. Trong đó, chi phí vận hành chỉ chiếm       15-20%. Cục Điều tiết điện lực cần giải trình cơ sở tính giá, khấu hao chiếm bao nhiêu” - GS. TS Vũ Trọng Hồng nói.

Phải có bứt phá với giá điện

Theo TS Phạm Quang Lộc - chuyên gia độc lập, phải có bứt phá để giá điện minh bạch hơn. “Người dân phải biết được và dễ tính. Giá điện bình quân nên để các nhà khoa học tính toán, tham vấn” - vị chuyên gia này nói. Theo TS Phạm Quang Lộc, biểu giá điện hiện nay dường như đang lẫn lộn giữa chính sách giá cho hộ nghèo, hộ chính sách. Người thuê trọ cũng bị tính giá điện rất cao nên trong biểu giá mới cần xem xét đến các đối tượng này. 

TS Ngô Đức Lâm - chuyên gia độc lập, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho hay: “Theo Luật Điện lực, giá điện phải theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, phù hợp với cấp độ thị trường. Tuy nhiên, cấp độ thị trường hiện nay giá thế nào, không ai phân tích. Giá điện đang được đưa theo thị trường trong khi ta chưa có thị trường”.

Theo PGS. TS Nguyễn Minh Duệ, việc lập và điều chỉnh giá cần thực hiện đúng Điều 30 của Luật Điện lực, bao gồm: Chính sách giá điện; Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Thu nhập của người dân trong từng thời kỳ; Quan hệ cung cầu về điện; Các chi phí sản xuất - kinh doanh điện và lợi nhuận hợp lý của đơn vị điện lực; Cấp độ phát triển của thị trường điện lực; Báo cáo tài chính đã được kiểm toán hàng năm của đơn vị điện lực. Để giá điện hợp lý, cần thúc đẩy thực hiện thị trường điện cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sử dụng điện; Cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước thuộc ngành điện theo hướng tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân.

Theo ANTĐ

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *