Giá vàng giảm 11,2 triệu đồng/lượng sau 1 năm

Tuần qua, giá vàng SJC tiếp tục giảm, riêng trong tuần giảm 570.000 đồng/lượng, Tính từ đầu năm giá đã giảm 11,2 triệu đồng/lượng.

Chốt tuần này (18-23/11), giá vàng SJC giảm 580.000 đồng/lượng chiều mua vào và bán ra giảm 570.000 đồng/lượng so với giá niêm yết sáng đầu tuần.

Cụ thể, giá mở cửa phiên đầu tuần (18/11) của vàng SJC tại TP HCM được mua – bán là 36,45 – 36,51 triệu đồng/lượng, còn phiên cuối tuần 35,87- 35,94 triệu đồng/lượng.

Vàng SJC “bốc hơi” 11,2 triệu đồng sau 1 năm

Nhìn lại diễn biến trong cả tuần, giá vàng trong nước tiếp tục trải qua 1 tuần nữa không có đột biến về giá. Suốt tuần, mức giá bán ra vẫn được niêm yết phổ biến trên mốc 36,0 triệu đồng/lượng. Trong đó, mức giá bán ra cao nhất trong tuần là 36,51 triệu đồng/lượng. Còn giá mua vào cao nhất 36,46 triệu đồng/lượng.

Biểu đồ giá vàng từ 23/11/2012-23/11/2013 (Nguồn: SJC)

Đặc biệt, phiên chốt tuần, giá vàng SJC bán ra đã rơi khỏi mốc 36,0 triệu đồng/lượng. Với mức giá này, so với 1 năm trước (ngày 23/11/2012 giá vàng SJC mua – bán ở mức 46,99-47,14 triệu đồng/lượng) đến nay (23/11/2013), giá mua vào vàng SJC giảm 11,12 triệu đồng/lượng; giá bán ra giảm mất 11,20 triệu đồng/lượng.

Trong tuần qua, mức chênh lệch giá mua – bán vàng SJC tiếp tục duy trì ở ngưỡng thấp, phổ biến trong khoảng 50.000 - 100.000 đồng/lượng, trong đó chênh 50.000 đồng chiếm đa số trong các phiên giao dịch.

Cùng với mức giảm giá mua – bán, mức chênh lệch giữa chiều mua và bán của vàng SJC cũng giảm mạnh sau 1 năm qua. Nếu phiên ngày 23/11/2012, chênh giá mua – bán còn ở mức 150.000 đồng/lượng, thì phiên cuối tuần này còn 50.000 đồng/lượng. Mặc dù vậy, suốt 1 năm qua, chênh giá mua – bán vàng nhiều lúc lên tới gần 1 triệu đồng/lượng, với ngưỡng phổ biến chênh từ 400.000-700.000 đồng/lượng.

Thời gian gần đây, giá vàng ít biến động, giao dịch khá trầm lắng. Tuần vừa qua tiếp tục phản ánh trạng thái này của thị trường. Nhiều nhà đầu tư đã tỏ ra kém mặn mà với vàng, thậm chí đã có nhiều thông tin dự báo về việc giá vàng tiếp tục lao dốc và nguy cơ gây rủi ro cho nhà đầu tư nếu tiếp tục “ôm” vàng.

Trên thị trường thế giới, giá vàng tuần qua cũng thể hiện một quãng thời gian không “gây sốt” như trước. Nếu như phiên đầu tuần, giá vàng được giao dịch mức 1.290 USD/oz, thì phiên chốt tuần đã lùi về 1.244 USD/oz. Như vậy, sau 1 tuần, vàng thế giới cũng giảm mạnh, mất 46 USD/oz, tương đương 1,17 triệu đồng/lượng.

Trở lại 1 năm trước, ngày 23/11/2012, vàng thế giới ở mức 1.730 USD/oz. Đến nay, sau 1 năm, vàng thế giới đã giảm 486 USD/oz.

Ngay trong tuần này, vàng thế giới cũng không biến động mạnh nhưng xu hướng giảm giá hiện rõ. Theo Kitco, giá vàng đã giảm 3,4% trong tuần này, giảm nhiều nhất trong vòng 8 tuần qua, mức giảm cao nhất được ghi nhận trước đó là tuần kết thúc vào ngày 13/9 với mức giảm 5,6%.

Theo Kitco, biểu đồ kỹ thuật cho thấy, giá vàng thế giới có thể xuống đến 1.220  USD/oz vào tuần tới.

Đẩy lùi tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế

Trong tuần, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, sau gần 1 năm triển khai quyết liệt Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đến nay, một mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng mới có quản lý của Nhà nước đã được thiết lập nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân với 38 TCTD, doanh nghiệp được cấp phép và gần 2.500 địa điểm giao dịch ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cùng với công tác quản lý, từ ngày 28/3/2013 đến ngày 22/11/2013, NHNN đã tổ chức 71 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng lượng vàng miếng SJC bán ra thị trường tổng số 1.740.500 lượng vàng trên tổng số 1.852.000 lượng chào thầu. Số vàng này góp phần đẩy nhanh quá trình chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng và các TCTD tất toán số dư huy động vốn bằng vàng, giảm dư nợ cho vay vàng.

Đến ngày 30/6/2013, các TCTD đã hoàn thành việc tất toán số dư huy động vốn bằng vàng đến hạn phải chi trả theo quy định, tổng dư nợ bằng vàng của toàn hệ thống đã giảm gần 70% và chiếm tỷ lệ không đáng kể so với tổng dư nợ cho vay của hệ thống đối với nền kinh tế góp phần loại bỏ rủi ro liên quan đến vàng ra khỏi hoạt động của TCTD. Toàn bộ số dư giữ hộ vàng đã được hạch toán ngoại bảng, các TCTD không được sử dụng vàng giữ hộ dưới mọi hình thức.

Sau gần một năm thực hiện khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: Quyền sở hữu, tích trữ, mua, bán vàng miếng hợp pháp của người dân được bảo vệ; thị trường vàng đã được sắp xếp lại một cách cơ bản; trật tự, kỷ cương trên thị trường đã được xác lập, tạo tiền đề phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của người dân; đã ngăn chặn được ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát, tăng dự trữ ngoại hối và ổn định kinh tế vĩ mô; vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường vàng đã được nâng cao; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế; tình trạng đầu cơ, nhập lậu vàng đã được kiểm soát; vàng miếng không được sử dụng làm phương tiện thanh toán; tiến tới từng bước huy động được nguồn lực vàng trong dân phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Chuyên mục: Vàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *