Chưa có “sàn vàng” hợp pháp ở Việt Nam

Các “sàn vàng” ảo liên tiếp bị triệt phá, tuy nhiên “ma lực” của phương thức kinh doanh trái phép này vẫn đang hấp dẫn nhiều nhà đầu tư. Theo cơ quan quản lý và các chuyên gia kinh tế, việc tham gia vào kênh đầu tư thiếu tính pháp lý cũng như thiếu kiến thức, kinh nghiệm sẽ khiến nhà đầu tư khó tránh khỏi rủi ro, thua lỗ.

Với vỏ bọc hào nhoáng, HGI dễ dàng lừa được khách hàng nhẹ dạ

Không có cơ sở pháp lý

Với mục tiêu ổn định thị trường vàng, giảm vàng hóa trong nền kinh tế, cơ quan quản lý đã chính thức cấm các hoạt động sàn giao dịch vàng từ tháng 3-2010. Tuy nhiên, trên thực tế các “sàn vàng” ảo vẫn hoạt động lén lút với nhiều chiêu trò thu hút người tham gia. 

Chỉ ra những rủi ro đối với người tham gia vào kênh đầu tư này, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: “Căn cứ Nghị định 24/2012/NĐ-CP, hoạt động kinh doanh sàn giao dịch vàng, kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước và nước ngoài đều là hoạt động kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ chưa cho phép và NHNN cũng chưa cấp giấy phép cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác gồm cả sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản. Như vậy, mọi tổ chức, cá nhân thành lập sàn giao dịch vàng hay kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước và nước ngoài khi chưa được phép đều vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng”.

TS Cấn Văn Lực - Giám đốc Trung tâm đào tạo Ngân hàng BIDV chỉ rõ : “Đầu tư vàng, ngoại tệ trên các sàn giao dịch qua mạng là một trong những kênh đầu tư hết sức rủi ro. Không có cơ sở pháp lý nào bảo vệ hoạt động kinh doanh cũng như đầu tư, hợp đồng giữa các bên vì vậy cũng không đảm bảo tính pháp lý”.

Bên cạnh đó, lãi suất huy động từ các “sàn vàng” ảo như các công ty bị triệt phá thời gian qua là mức “siêu lợi nhuận”. Điều này đồng nghĩa việc vay vốn, quay vòng vốn hoạt động theo hình thức “tín dụng đen”. Khi không thể huy động tiếp thì các “sàn vàng” này không thể trả tiền đã huy động cho người gửi trước. 

Theo ông Lực, đối với cơ quan quản lý cần tiếp tục tăng cường khuyến cáo về những rủi ro trong lĩnh vực này. Còn với người dân đừng ham lợi nhuận cao.  “Với các kênh đầu tư tài chính, nhà đầu tư cần phải có những kiến thức nhất định. Ví dụ như kênh đầu tư hợp pháp là chứng khoán, khi đầu tư người dân còn gặp phải nhiều rủi ro thì các kênh đầu tư thiếu cơ sở như vàng, ngoại tệ qua mạng mức độ rủi ro còn tăng lên gấp nhiều lần”, ông Lực nói.

Lời khuyên cho nhà đầu tư

Theo Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu:“Đầu tư vào các kênh tài chính đòi hỏi có những kiến thức nhất định. Nhà đầu tư phải hiểu được những rủi ro và quản lý rủi ro đó như thế nào. Với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, họ có những công cụ tài chính cộng với thông tin được cập nhật từng phút, từng giờ. Việc đầu tư hùa theo người này, người kia cũng như theo tin đồn là hết sức nguy hiểm và sai lầm”.

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc triệt phá các “sàn vàng”, “sàn ngoại tệ” ảo là việc làm cần thiết góp phần sàng lọc những tiêu cực trong hệ thống tài chính Việt Nam. “Chúng ta đang ở giai đoạn tiêu trừ vàng hóa trong các hoạt động của nền kinh tế. NHNN đã có những thành công nhất định trong việc giảm vàng hóa, ổn định thị trường. Việc kinh doanh của những tổ chức không có giấy phép với hình thức nào cũng là vi phạm, do đó việc phát hiện và xử lý kịp thời là điều cần thiết”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận.

Cảnh báo các nhà đầu tư trên các sàn vàng ảo, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Các sàn vàng và ngoại tệ có thể bị sập bất cứ lúc nào. Người dân bỏ tiền đầu tư vào các sàn này chắc chắn sẽ bị thiệt hại. Đó là chưa kể những trường hợp các sàn vàng được lập nên với mục đích lừa đảo, hút tiền của người dân theo cách hứa trả lãi cao rồi biến mất”.

Theo Hùng Anh

ANTĐ

Chuyên mục: Vàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *