Dòng chảy vốn 21/02/2014 13:08

Hoa mắt với số liệu xuất nhập khẩu

Trong khi Bộ Công Thương ước tính cả nước nhập siêu khoảng 100 triệu USD trong tháng 1-2014 thì Tổng cục Hải quan công bố số liệu xuất siêu tới 1,44 tỉ USD trong cùng thời gian.

Bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, cho biết thực tế vào ngày 20 hằng tháng, tổ liên bộ bao gồm Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), Tổng cục Hải quan và Bộ Công Thương đều có số liệu ước tính về con số xuất nhập khẩu cho cả tháng. Tuy nhiên, khoảng ngày 12 - 14 tháng sau, Tổng cục Hải quan sẽ công bố số liệu thống kê cuối cùng dựa trên đơn hàng xuất nhập khẩu thực tế. Do vậy, con số công bố của Bộ Công Thương chỉ là số liệu ước tính còn con số của Tổng cục Hải quan là số liệu thực tế đã được điều chỉnh.

Nên dựa vào số liệu của hải quan

Giải thích thêm về điều này, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại - Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) Lê Thị Minh Thủy cho biết số liệu ước tính là số liệu dựa trên tổng hợp tình hình xuất nhập khẩu có tham khảo từ Tổng cục Hải quan, các hiệp hội của 15 ngày đầu tháng và dùng để ước tính cho xu hướng nửa tháng sau. “Tuy nhiên, điểm đặc biệt của tháng 1 là nửa cuối tháng rơi vào thời gian nghỉ Tết, do đó các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tập trung xuất để giải phóng đơn hàng trước Tết, trong khi gần như ngừng nhập khẩu nên xu thế xuất nhập khẩu ngược lại so với nửa đầu tháng. Do vậy, cán cân sau khi thống kê số liệu thực tế lại nghiêng về xuất siêu” - bà Thủy nói.

Giá trị xuất khẩu chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI. Trong ảnh: Công nhân Công ty Nidec Tosok - KCX Tân Thuận (TP HCM) chuyên sản xuất dây điện trong ô tô xuất khẩu                                Ảnh: HỒNG ĐÀO
Giá trị xuất khẩu chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI. Trong ảnh: Công nhân Công ty Nidec Tosok - KCX Tân Thuận (TP HCM) chuyên sản xuất dây điện trong ô tô xuất khẩu Ảnh: HỒNG ĐÀO
 

Dưới góc nhìn của chuyên gia, TS Nguyễn Quang A cho rằng con số xuất siêu 1,44 tỉ USD trong tháng 1-2014 là tin tưởng được mặc dù vẫn có thể có những sai sót nhất định, khó tránh khỏi. “Thực tế, tình hình xuất nhập khẩu thời gian gần đây, nhất là trong 2 năm trở lại đây, đã có dấu hiệu cải thiện, cân bằng cán cân thương mại và tiến tới xuất siêu. Do đó, xuất siêu trong thời điểm này cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, cần có sự thống nhất trong công bố số liệu thống kê bởi đây là chỉ số  quan trọng phản ánh bức tranh kinh tế vĩ mô nói chung” - ông Nguyễn Quang A lưu ý.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cũng khuyến cáo các DN, chuyên gia nên lấy số liệu thống kê từ phía cơ quan “gác cửa” là Tổng cục Hải quan bởi đây là những con số được tổng hợp dựa trên đơn hàng thực tế, có sổ sách ghi chép. “Số liệu của Bộ Công Thương đưa ra chỉ là ước tính, trong khi nhiều trường hợp diễn biến bất ngờ lại rơi vào những ngày cuối tháng. Qua đó, cũng nên lưu tâm đến việc công bố số liệu của các cơ quan liên quan đến công tác tổng hợp, thống kê sao cho xác thực hoặc chủ động cập nhật thông tin mới nhất chứ không nên công bố con số ước tính quá sớm” - TS Doanh nói.

Chưa phải điểm sáng

Nhìn vào số liệu xuất siêu 1,44 tỉ USD chỉ trong vòng một tháng có thể nhận thấy đây là dấu hiệu đáng lưu tâm trong cán cân xuất nhập khẩu của Việt Nam. Đây cũng được đánh giá là mức tăng trưởng rất đột biến vì cả năm 2013, thặng dư thương mại của Việt Nam chỉ đạt khoảng 863 triệu USD. Còn nếu so sánh với cùng kỳ năm trước thì mức xuất siêu tháng đầu năm nay cũng tăng khá so với mức xuất siêu 950 triệu USD vào tháng đầu năm 2013.

Tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và dịch vụ - Tổng cục Thống kê, bà Phạm Quỳnh Lợi, việc đạt thặng dư thương mại 1,44 tỉ USD trong tháng 1-2014 không phải là điểm sáng bởi qua theo dõi dãy số liệu thì hầu như tháng đầu năm nào cũng xuất siêu. “Nguyên nhân đều do tăng tốc xuất khẩu và ngừng nhập khẩu để nghỉ Tết. Thông thường, đến tháng sau Tết, xu hướng nhập hàng sẽ quay trở lại để phục vụ sản xuất khởi động vì Việt Nam vẫn chủ yếu nhập nguyên liệu để sản xuất” - bà Lợi lý giải.

Khó xuất siêu bền vững

Thực tế cho thấy giá trị xuất khẩu chủ yếu đến từ khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với các mặt hàng điện thoại, linh kiện điện tử… Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, khối FDI có giá trị xuất siêu lên tới 1,41 tỉ USD trong tổng số 1,44 tỉ USD xuất siêu của Việt Nam. Trong đó, danh mục hàng hóa xuất khẩu chính vẫn tiếp tục dẫn đầu là các sản phẩm xuất thô hoặc gia công, có giá trị gia tăng thấp như dầu thô, than đá, hàng dệt may…

Trong khi đó, nhập khẩu chính vẫn là máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày… để phục vụ sản xuất trong nước. Riêng nhập khẩu phục vụ tiêu dùng chưa lớn.

“Thực tế xuất nhập khẩu cho thấy khả năng thu hút vốn đầu tư của Việt Nam đang rất lớn nhưng nền sản xuất trong nước còn hạn chế nên kỳ vọng về một tỉ lệ xuất siêu bền vững, tiến tới cao dần lên là vẫn rất khó. Cũng như vậy, với nền kinh tế nói chung, mặc dù có dấu hiệu phục hồi và nhất định sẽ có chuyển biến tốt hơn nhưng đột phá thì chắc chắn không” - TS Nguyễn Quang A đánh giá.

Theo Phương Nhung

Người lao động

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *