Tiền và Hàng 08/04/2014 14:52

Vẫn là chuyện “được mùa nông dân khóc”

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã gửi câu hỏi chất vấn Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát trong khi ĐBQH 3 lần đứng lên nói đến câu chuyện “được mùa nông dân khóc”.

5 năm nữa

 
Tại phiên giải trình của Bộ trưởng NN và PTNT trước Ủy ban KHCN và MT của QH sáng nay 8.4, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã gửi câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát: "Sau hơn 25 năm tiến hành đổi mới, ngành nông nghiệp của nước ta đã đạt được nhiều thành tựu, có nhiều sản phẩm xuất khẩu ra thế giới. Tuy nhiên, mặc dù xuất khẩu nhiều nhưng chủ yếu vẫn là xuất thô, giá trị thấp. Vậy Bộ trưởng và bộ NN&PTNT cần làm gì để tăng giá trị xuất khẩu nông sản, tăng thu nhập, bảo đảm quyền lợi cho người nông dân?".
 
 
ĐBQH Bùi Thị An, 2 lần nhắc lại “câu chuyện quả dưa”, “củ su hào”, khắc khoải rằng: Cứ được mùa thì mất giá, nông dân khóc, nông dân nhổ vứt bỏ đi. Khổ quá.
 
 
Bộ trưởng Phát, nhắc mấy lần đến cụm từ “điều chỉnh”, “tái cơ cấu”, hô hào về một sự thay đổi nhận thức làm nông nghiệp không chỉ để tiêu dùng trong nước mà phải là nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá.
 
 
"Chúng ta không thể làm khoai Tây, lúa mì mà phải làm lúa, tôm, cà phê, cá basa... bởi đó là thế mạnh của chúng ta - Bộ trưởng Phát nói. Đồng thời khẳng định đây cũng chính là bài học trong hơn 20 năm qua. Làm ít sản lượng nhưng giá trị phải cao.
 
 
Nhà nước phải nghiên cứu, cùng với các tổ chức, cá nhân tạo ra nhiều sản phẩm khoa học, chuyển giao cho nông dân công nghệ khoa học tiên tiến, có vậy người nông dân mới có thể cạnh tranh mạnh mẽ hơn".
 
 
Ngoài KHCN, Bộ trưởng cũng nói tới việc “tổ chức lại các khâu sản xuất, tiêu thụ” (để nông dân có đầu ra ổn định), “chú trọng khâu bảo quản, chế biến”, “huy động DN tham gia vào quá trình này”. Bởi “chúng ta xuất nông sản thô nhiều nên thu nhập của người dân còn thấp”. "Hy vọng trong 5 năm sẽ chuyển biến rõ hơn", ông Phát nói.
 
 
Riêng đối với ngành chăn nuôi, Bộ trưởng Phát thừa nhận những tồn tại yếu kém, ngay cả trong việc chính của Bộ Nông nghiệp là xây dựng những mô hình phù hợp, kết hợp với khoa học công nghệ.
 
 
“Đây là ngành tôi quan ngại nhất, lĩnh vực yếu kém nhất trong sản xuất nông nghiệp. Bởi nó sản xuất nhỏ lẻ”. Và “Chăn nuôi nông hộ phải dần chuyển đổi thành trang trại… phổ biến cho nhân dân giống vật nuôi đạt công nghệ có thể cạnh tranh được quốc tế”.
 
 
Thương lái nước ngoài định hướng kỳ dị thị trường trong nước
 
 
Có vẻ chưa vừa lòng với giải trình của Bộ trưởng, ĐBQH Trương Minh Hoàng (Cà Mau) thẳng thắng trước tình trạng “Nông dân không say sưa với đồng ruộng” bởi ngoài câu chuyện kinh niên “được mùa mất giá”, căn bệnh trọng của ngành nông nghiệp còn bộc lộ chưa có thuốc chữa khi “phát triển chủ yếu dựa vào vòng quay của đất, dựa vào sức lao động và thiên nhiên, chứ khoa học công nghệ rất yếu”.
 
 
Trong khi ĐBQH Phùng Văn Hùng nhắc tới một thực tế khác cũng không kém phũ phàng: Nông nghiệp phát triển, nhưng hộ nghèo vẫn tập trung ở nông dân.
 
 
Và, ĐBQH Bùi Thị An nói ra những sự thật hết sức đau lòng. Đó là tình trạng “Thương lái ăn chặn” thay cho “thương lái biết điều”. Đó là việc “Thương lái nước ngoài định hướng thị trường trong nước” trong một định hướng sản phẩm mà bà An gọi là “kỳ dị”.
 
 
Đó là sự khổ cực đến quẫn bách của người nông dân. Và sự không thể thuyết phục cử tri cũng như các vị ĐBQH” trước những câu trả lời, đại khái: Dưa hấu ùn ứ là do được mùa và cửa khẩu hẹp. “Nông dân chăm chỉ nhưng rất khổ. Và bao giờ thì họ hết nỗi khổ này”- lời bà An.
 
 
Tham dự phiên giải trình, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định sự phát triển khá mạnh mẽ và khác toàn diện của nông nghiệp trong điều kiện “dân số không ngừng tăng, diện tích đang giảm dần và biến đổi khí hậu vẫn diễn ra phức tạp”.
 
 
Phó Chủ tịch QH “ghi công” người nông dân khi khẳng định chính họ là người trực tiếp không những đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn khiến xuất khẩu vươn lên đứng đầu thế giới.
 
 
“Nông dân chúng ta rất giỏi, nhiều người được thế giới phong tặng là những “ông vua”. Chúng ta trước chỉ có 12 mặt hàng xuất khẩu, giờ đến 16 mặt hàng do nông dân làm ra xuất khẩu có vị trí cao trên thị trường 160 quốc gia”- bà Ngân nói đồng thời nhắc tới con số “115 tỉ USD giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp”.
 
 
Tuy nhiên, bà lưu ý “Không thể tôn thờ những (thành tích) này mà không thấy những cái khó. Cần có những mô hình tốt để sản xuất phát triển bền vững, hiệu quả và cạnh tranh được. Phải đảm bảo vấn đề thị trường cho tốt để người dân đã làm tốt công việc của mình có thu nhập tốt hơn. Đó là trách nhiệm của chúng ta”.
 
 
Theo Đào Tuấn
Lao động
Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *