Tiền và Hàng 13/06/2015 15:02

Vải thiều vào Nam chất lượng kém

Chất lượng vải thiều về chợ Thủ Đức năm nay không bằng những năm trước, mẫu mã xấu, trái nhỏ, nhiều sâu, lại rất nhanh úng dẫn đến hương vị trái không ngon...

Bắt đầu từ cuối tháng 5, vải thiều chín sớm của các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang đã có mặt tại một số chợ đầu mối ở TP.HCM. Sang đầu tháng 6, khi vải thiều bắt đầu vào chính vụ, lượng hàng về thành phố cũng tăng lên gấp đôi, gấp ba so với đầu vụ.

Bà Trịnh Diệp Thanh Thảo – Phó Giám đốc Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, chợ này là một trong những đầu mối tiêu thụ vải thiều lớn nhất miền Nam, lượng vải về chợ trong năm 2014 đạt hơn 37.000 tấn. Năm nay, con số này có thể tăng lên nhiều.

Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Thảo, chất lượng vải thiều về chợ Thủ Đức năm nay không bằng những năm trước, mẫu mã xấu, trái nhỏ, nhiều sâu, lại rất nhanh úng dẫn đến hương vị trái không ngon. Hơn nữa, nếu năm trước thương nhân kinh doanh vải thiều ở các tỉnh phía Bắc đóng hàng vào thùng xốp, rồi ướp đá để giữ lạnh trong quá trình vận chuyển vào Nam thì năm nay, rất nhiều đầu mối chỉ đóng hàng trong các thùng gỗ, ván ép.

Do đó, khi về đến chợ, trái vải bị xỉn màu, dễ giập nát hơn, gây áp lực cho tiểu thương của chợ khi phải đẩy hàng đi trong vài giờ sau khi nhận.

Không chỉ vậy, đại diện chợ đầu mối nông sản Bình Điền thì cho rằng, dù có nhiều đầu mối cung cấp nhưng vải thiều hầu hết đổ về chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, thương nhân ở chợ Bình Điền muốn kinh doanh vải thiều phải qua chợ Thủ Đức để mua lại. Do đó, thời gian trung chuyển kéo dài thêm, trong khi chất lượng trái năm nay đã không bằng năm trước.

Về tình trạng này, ông Bùi Văn Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng thừa nhận, hiện nay vải thiều không chỉ được trồng ở Bắc Giang, Hải Dương mà một số địa phương khác cũng có trồng vải, dù số lượng không lớn. Hơn nữa, hầu hết lượng vải bán tại các chợ hiện nay không phải là vải thiều Lục Ngạn, cũng chưa được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, thậm chí chỉ là vải loại 2, loại 3. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương khi kinh doanh trái vải đều ghi nhãn xuất xứ là “Vải thiều Lục Ngạn”, ảnh hưởng tới uy tín chung.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng cho rằng, các tỉnh không thể thấy số lượng vải tiêu thụ tại miền Nam tăng cao mà bỏ qua khâu chất lượng. TP.HCM đang xây dựng các thương hiệu chợ đầu mối nông sản, xuất phát từ chất lượng sản phẩm. Do đó, bà Hồng yêu cầu các tỉnh khi đưa hàng vào TP.HCM tiêu thụ phải đảm bảo chất lượng, nghiên cứu các biện pháp bảo quản để trái vải giữ được hương vị, màu sắc...

Theo Thuận Hải

Dân Việt

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *