Tiền và Hàng 14/07/2014 16:28

Úc hy vọng xuất khẩu trâu sang Việt Nam

FICA - Ông Adam Giles, Thủ hiến Vùng Lãnh thổ Bắc Úc, hy vọng có thể bán trâu sống sang Việt Nam, tuy nhiên ông thừa nhận lĩnh vực này có nhiều thách thức.

Thương Vụ Việt Nam tại Úc cho biết, trong chuyến công du Việt Nam, ông Adam Giles đã gặp Bộ trưởng Nông nghiệp Việt Nam và công ty nhập khẩu Animex, để thảo luận về việc mở rộng công cuộc thương mại gia súc sống và thiết lập một thương vụ bán trâu sống. 

Ông Giles cho biết các nhà nhập khẩu rất quan tâm tới việc nhập khẩu trâu từ Vùng Lãnh thổ Bắc Úc và khu vực này có thể cung cấp cho Việt Nam mỗi năm 60 nghìn con trâu. 

Kể từ năm 2011, việc xuất khẩu gia súc sống sang Indonesia bị đình chỉ. Ngoại trừ một số ít xuất khẩu sang Brunei, Úc không còn xuất khẩu trâu ra nước ngoài.

Lý do của việc này là mọi việc, từ xuất khẩu tới giết mổ, đều phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của ESCAS (the Exporter Supply Chain Assurance System – Hệ thống Bảo đảm Dây chuyền Xuất khẩu). 

Các nhà xuất khẩu đã tránh không muốn kinh doanh trâu vì sọ của loài vật này dày, gần như không thể ‘gây choáng’ chúng trước khi giết mổ theo quy định. Nếu không sử dụng kỹ thuật ‘gây choáng’ đối với trâu, các cơ sơ giết mổ có thể bị giới chức đặc trách vấn đề an sinh cho loài vật ‘săm soi’. 

Các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm các kỹ thuật ‘gây choáng’ mới có thể làm cho trâu bị choáng trước khi chúng bị giết mổ. Tuy nhiên, có lẽ phải cần hơn một năm nữa họ mới có thể hoàn tất các cuộc thử nghiệm về kỹ thuật.

Thủ hiến Adam Giles nói rằng ông hy vọng việc này có thể được hoàn tất sớm để công cuộc thương mại bắt đầu.

Việt Nam được đánh giá là nhân tố giúp cho ngành nuôi trâu Úc hồi sinh. Năm 2014 chỉ có 628 con trâu được xuất đi từ lãnh thổ Bắc Úc, đa số trâu còn lại được bán trong nước để dùng làm thực phẩm cho thú nuôi với giá rất thấp. Trong khi đó, theo ước tính, từ đầu năm tới nay đã có khoảng trên dưới 2.000 con trâu của Úc được xuất vào Việt Nam. 

Việt Nam là thị trường nhập khẩu gia súc sống lớn thứ hai của Australia, sau Indonesia. Trong hai năm qua, Việt Nam đã vượt lên từ chỗ là một trong những thị trường tiêu thụ gia súc nhỏ nhất của Australia lên vị trí hiện tại, chủ yếu do nguồn cung ở Đông Nam Á giảm và nhu cầu tiêu thụ tăng trong khu vực.

Gia súc sống xuất khẩu sang Việt Nam đã tăng tới 1.800% trong giai đoạn từ năm 2012 - 2013, tương ứng từ 3.500 con lên 66.951 con. Việc tăng trưởng này không có dấu hiệu chậm lại.

Dự báo, trong năm nay, Việt Nam có khả năng nhập khẩu 150.000 con thậm chí cao hơn và vượt qua Israel (98.000 con năm 2013) trở thành thị trường lớn thứ hai của Australia, chỉ đứng sau Indonesia (450.000 con năm 2013, dự kiến 700.000 con năm 2014).

Trâu từ Indonesia được đưa vào Bắc Úc nửa đầu thế kỷ 19 để làm thực phẩm cho quân đội Anh đồn trú. Một số thoát ra ngoài sinh sản tự nhiên thành số lượng lớn. 
 

Trong một thời gian dài việc tiêu thụ trâu dựa chủ yếu từ việc săn bắn từ nguồn trâu tự nhiên này. Nuôi trâu trong trang trại với số lượng lớn chỉ bắt đầu từ những năm 1980. Ngoài Bắc Úc, vào thời gian này trâu cũng được đưa đến các vùng khác của Úc. 
 

Hội đồng Công nghiệp Trâu Úc (the Australia Buffalo Industry Council Inc. — ABIC) được thành lập năm 2000 để quảng bá và thúc đẩy ngành công nghiệp này. ABIC khuyến khích các nghiên cứu và phát triển về nuôi, chế biến và tiếp thị trâu. ABIC hỗ trợ các thành viên và vận động chính phủ ở mức quốc gia các vấn đề phụ hợp với ngành công nghiệp trâu. 

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *