Tiền và Hàng 07/02/2018 07:57

Tranh nhau khai quật tàu cổ, Nhà nước, doanh nghiệp thiệt hại hàng chục tỷ đồng

Kể từ khi phát hiện một xác tàu cổ trong địa phận đang thi công, một doanh nghiệp tại Quảng Ngãi đã phải dừng mọi hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh khiến Nhà nước và doanh nghiệp thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi đã bị buộc dừng thi công 6 tháng nay khiến vật liệu rỉ sét. (Ảnh: Hồng Vân)
Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi đã bị buộc dừng thi công 6 tháng nay khiến vật liệu rỉ sét. (Ảnh: Hồng Vân)

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi dự kiến đầu tư gần 1.720 tỷ đồng để thực hiện dự án bến cảng chuyên dùng phục vụ chung Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi.

Tuy nhiên, khi công ty này đầu tư được khoảng 85% và đang trong quá trình xây dựng cầu cảng lớn nhất trong dự án thì phát hiện một xác tàu cổ được cho là từ thế kỉ XV vào ngày 27/7/2017.

Do đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ra công văn yêu cầu công ty Hào Hưng dừng mọi hoạt động để đảm bảo an toàn tối đa cho di sản.

Tuy nhiên, ông Thang Văn Hóa, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Hào Hưng cho biết, từ đó đến nay, đã 6 tháng trôi qua nhưng các cơ quan chức năng của địa phương và cơ quan quản lý chuyên ngành vẫn chưa đưa ra quyết định về thời gian sẽ khai quật con tàu này.

Trong khi đó, tính đến nay, việc dự án cầu cảng này ngừng hoạt động đã khiến ngân sách Nhà nước thất thu gần 1,5 tỷ đồng và riêng công ty này tự tính thiệt hại tổng cộng hơn 20 tỷ đồng. Tổng thiệt hại lên đến gần 21,5 tỷ đồng.

Đáng nói, ông Hóa cho hay: “Số tiền thiệt hại trên chỉ mới tính cho một cầu cảng 3 vạn tấn. Còn mức thiệt hại và ảnh hưởng cho toàn cầu cảng còn lớn hơn rất nhiều”.

Cầu cảng số 2 (cầu cảng lớn nhất trong dự án) đang được xây dựng thì buộc phải tạm dừng. (Ảnh: Hồng Vân)
Cầu cảng số 2 (cầu cảng lớn nhất trong dự án) đang được xây dựng thì buộc phải tạm dừng. (Ảnh: Hồng Vân)

Giám đốc công ty này nhận định, nếu việc dừng hoạt động của dự án kéo dài thêm 1 năm nữa thì toàn bộ sắt thép đang thi công dở dang sẽ phải phá bỏ hết vì không đảm bảo chất lượng công trình. Như vậy, tổng thiệt hại sẽ lên đến hàng trăm tỷ đồng chứ không phải hơn 20 tỷ đồng nữa.

Tuy nhiên, hiện tại, vẫn chưa có một đơn vị chức năng nào cam kết chịu trách nhiệm bồi thường cho các khoản thiệt hại của Công ty Hào Hưng.

Theo ông Lê Văn Lý, Phó Giám đốc Công ty Hào Hưng, đây là điều rất bất hợp lý, không công bằng và sai với đường lối chính sách “Chính phủ kiến tạo” hay “tất cả vì doanh nghiệp” mà Thủ tướng đề ra.

Bên cạnh đó, dựa trên nguồn tài liệu của phóng viên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã kí công văn đồng ý giao cho Sở văn hóa tỉnh Quảng Ngãi cùng các sở ban ngành khác cùng Công ty Hào Hưng khai quật khẩn cấp nhưng Sở này lại không thực hiện dù đây là đầu mối chủ trì.

Điều này cho thấy, mặc dù Chính phủ rất quyết tâm trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng trên thực tế, ở một số địa phương, sở ban ngành vẫn chưa thực sự đi đúng mục tiêu kêu gọi của Chính phủ.

Vậy, nguyên nhân của điều là gì, liệu có dính líu tới lợi ích nhóm, lợi ích của riêng một công ty hay cá nhân nào đó muốn giành quyền khai quật con tàu đắm từ thế kỉ XV với những cổ vật có giá trị không hề nhỏ?

Hồng Vân

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *