Tiền và Hàng 24/09/2014 13:16

Tranh cãi nảy lửa trong phiên tòa kiện Phó Chi cục QLTT Hà Nội đòi 1,2 tỷ

Đại diện nguyên đơn cho biết, thời điểm thu giữ sữa trên nhãn phụ đã có dòng chữ theo quy định thì hàng đang để trong kho chứ chưa đưa ra thị trường.

Chiều ngày 23/9, Tòa hành chính – TAND TP Hà Nội đã diễn ra phiên tòa xét xử vụ kiện giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Mạnh Cầm (Công ty Mạnh Cầm) là chủ nhãn sữa Danlait và bị đơn là ông Vương Trí Dũng, phó Chi Cục Trưởng - Chi Cục quản lý thị trường Hà Nội.

Mở đầu phiên xét xử, Luật sư Nguyễn Thị Sinh cho biết, tại phiên tòa sơ thẩm, đã đưa ra các căn cứ chứng minh sai phạm của Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội trong việc ký quyết định xử phạt hành chính và đưa ra những phát ngôn không chính xác trước báo chí khiến uy tín của công ty bị ảnh hưởng nặng nề. 

Cụ thể, sau khi kiểm tra và lập biên bản, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã ban hành quyết định xử phạt hành chính 15 triệu đồng với Công ty Mạnh Cầm do vi phạm về ghi nhãn mác hàng hóa và thu giữ 190 tờ phiếu xuất kho. Theo Công ty Mạnh Cầm, đây là nội dung hoàn toàn không có trong biên bản vi phạm hành chính trước đó khi đội quản lý thị trường số 12 lập biên bản kiểm tra. Ông Vương Trí Dũng, mặc dù là Phó chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội nhưng trên thực tế lại không được ủy quyền của lãnh đạo Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội về phụ trách Đội Quản lý thị trường số 12. 

Tuy nhiên, khi vụ việc xảy ra, ông Dũng lại đứng ra xử lý vi phạm và ký quyết định xử phạt công ty Mạnh Cầm. Ngoài ra, dù chưa có kết luận doanh nghiệp vi phạm, ông Vương Trí Dũng đã thông tin cho báo chí, truyền hình làm tổn hại hình ảnh, uy tín doanh nghiệp, bà Sinh cho biết. Bà Sinh trình bày, việc này đã làm 80% đại lý sữa đã tẩy chay sữa Danlait và Công ty không bán được hàng, tồn kho hơn 7.000 hộp sữa. 

Ngoài ra, hơn 400 hộp sữa hiện đang bị tạm giữ đã bị hư hỏng do không được bảo quản đúng cách. Mặc dù xác định chịu thiệt hại hơn 26 tỷ đồng nhưng Công ty Mạnh Cầm chỉ yêu cầu bên bị đơn bồi thường 1,25 tỷ đồng tương đương với hơn số hộp sữa tồn kho không bán được. 

Đồng thời, Công ty rút lại yêu cầu ông Vương Trí Dũng công khai xin lỗi doanh nghiệp nhưng thay vào đó, ông Dũng cần công khai đính chính về uy tín của doanh nghiệp trước truyền thông báo chí.

Cũng theo luật sư, Lô hàng nhập cuối 2012 đúng chức năng kinh doanh. Khi nhập về thì phải có Cục ATVS thực phẩm chứng nhận mới được nhập về. Khi nhập phải qua Hải quan. Trước khi ra thị trường thì DN phải công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

Trong khi đó, Biên bản phạt vi phạm hành chính do đội 12 lập ghi cho rằng doanh nghiệp ghi sai về nhãn hàng hoá phụ. Trong hồ sơ công bố đã bao gồm việc ghi nhãn phụ.

“Biên bản của Chi cục 12 ghi công ty Mạnh Cầm vi phạm về nhãn phụ. Cụ thể của việc vi phạm là ghi thiếu nội dung “thực phẩm bổ sung” chứ không phải là không có nhãn phụ”, luật sư nói tại tòa.

Đại diện bên nguyên đơn cho biết, thời điểm thu giữ sữa trên nhãn phụ đã có dòng chữ “Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ” thì hàng đang để trong kho chứ chưa đưa ra thị trường. Lúc này có sữa đã dán nhãn, có hộp chưa dán nhãn. Việc cho rằng ghi nhãn sai là không đúng vì hàng còn nguyên đai nguyên kiện trong kho.

Trước quan điểm trên, HĐXX hỏi luật sư rằng, sữa đã bán trên thị trường, có hoá đơn VAT chứ không phải chỉ nằm trong kho. QLTT đã phát hiện sữa bán ở quận Ba Đình, Hoàn Kiếm không ghi đầy đủ nhãn phụ.

Về vấn đề này, luật sư bảo vệ Cty Mạnh Cầm nói: “Tại thời điểm QLTT kiểm tra, QLTT cho rằng vi phạm đang nằm trong kho. Còn hàng ngoài thị trường, QLTT không chứng minh, không có một sản phẩm nào vi phạm về nhãn phụ”.

Đến lượt bên bị đơn, đại diện là ông Trịnh Quang Đức - Trưởng phòng nghiệp vụ chi cục quản lý thị trường Hà Nội cho biết, trước đó QLTT số 12 đã có những tài liệu trinh sát. Ngày 21/2 có công văn khẩn của Cục quản lý thị trường yêu cầu kiểm tra công ty Mạnh Cầm. Căn cứ 2 căn cứ này, QLTT số 12 ra quyết định kiểm tra là phù hợp.

Theo vị đại diện, lực lượng QLTT đã ra quyết định xử phạt 15 triệu đồng, buộc Công ty Mạnh Cầm khắc phục vi phạm nhãn hàng hoá; đồng thời trả lại toàn bộ hàng hoá và các bộ hồ sơ bằng tiếng nước ngoài.

Tại biên bản kiểm tra, có dấu hiệu vi phạm về thuế, phiếu xuất kho và hoá đơn VAT có sự chênh lệch. Hoá đơn VAT là 110.000 đồng còn phiếu xuất kho là 410.000 đồng. Các phiếu xuất kho có ông Phạm Minh Sang, phó GĐ đã ký và đóng dấu.

Ông Đặng Minh Sang cũng thừa nhận hàng đang kinh doanh có niêm yết giá và cam kết khắc phục về nhãn.

Mặt khác, đại diện của Đội quản lý thị trường số 12 cho biết, do Chi cục yêu cầu QLTT Hà Nội xác minh, kiểm tra các đơn vị kinh doanh sữa lớn. Qua trinh sát phát hiện 1 số lỗi vi phạm của Công ty Mạnh Cầm. Căn cứ theo quy định của pháp luật, Điều 45 của Pháp lệnh xử phạt hành chính, việc xử phạt là của Chi cục QLTT Hà Nội do đó Đội QLTT đề xuất Chi cục QLTT ra quyết định xử phạt.

Tại thời điểm kiểm tra, đội 12 phát hiện hành vi: về ghi nhãn hàng hoá; trên tờ khai ghi là “sữa” trên bản công bố chất lượng là sản phẩm bổ sung; hoá đơn VAT xuất bán cho khách hàng ngày 17/1 là giá sau thuế 115.000 đồng song trên niêm yết giá là 400 và 410.000 và phiếu xuất kho đi 1 số nơi có giá 370- 410.000 đồng. Trên cơ sở đó, Đội QLTT số 12 quyết định ra quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn.

Đến khoảng 18h ngày 23/9, phiên tòa kết thúc và sẽ tiếp tục xét xử vào ngày 24/9.

Lê Tú
Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *