Tiêu Dùng 13/02/2015 07:27

Vòng vèo đường đi quần áo “hàng thùng”

Đa số người dân phương Tây không biết rằng, phần lớn lượng quần áo cũ họ tặng để làm từ thiện cuối cùng được bán ra nước ngoài nhằm thu tiền về, BBC thông tin ngày 12/2.

Một chợ quần áo “hàng thùng” ở Nigeria . Ảnh: News Agency of Nigeria
Một chợ quần áo “hàng thùng” ở Nigeria . Ảnh: News Agency of Nigeria
 

Đa số người dân các nước phương Tây có nhu cầu cao về quần áo mới, nên thải ra một lượng lớn đồ cũ. TS Andrew Brooks, giảng viên môn địa lý phát triển tại Đại học King’s ở Anh vừa xuất bản cuốn sách “Clothing Poverty” (Đói nghèo quần áo), nói rằng, nhiều người tặng quần áo cũ không biết rằng, phần lớn lượng quần áo họ chuyển cho các tổ chức từ thiện sẽ được bán ra nước ngoài. 

Chương trình hành động vì rác thải và tài nguyên (WRAP) ước tính, hơn 70% tổng lượng quần áo đã qua sử dụng tại Anh được xuất ra nước ngoài để tham gia thị trường “hàng thùng” toàn cầu.

Theo số liệu mới nhất của Liên Hợp Quốc, Anh là nước xuất khẩu đồ cũ lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Anh xuất hơn 351.000 tấn quần áo cũ ra nước ngoài năm 2013. Ba Lan, Ghana, Pakistan và Ukraine là những nước nhập nhiều đồ cũ nhất. Đối tác mua đồ cũ lớn nhất của Mỹ là Canada, Chile, Guatemala và Ấn Độ. 

Hành trình quốc tế của quần áo cũ bắt đầu khi các quỹ từ thiện bán đi những quần áo mà họ không thể bán lẻ tại hơn 10.000 cửa hàng từ thiện tại Anh. Hiệp hội Bán lẻ từ thiện Anh nói rằng, 90% quần áo được người dân mang tặng đều được bán tại các cửa hàng. Nhưng theo cuốn sách của TS Brooks, chỉ có 10-30% quần áo từ thiện được bán tại nước này. Tỷ lệ ở Mỹ và Canada cũng tương tự.

Quần áo ế được bán lại cho các thương nhân để họ phân loại và xuất khẩu, biến chúng từ quần áo từ thiện thành mặt hàng mua bán. Quần áo cũ đạt tiêu chuẩn của thương lái được đóng kiện và bán cho khách quen ở Đông Âu và châu Phi. Hầu hết quần áo từ thiện được quyên góp ở Anh, cùng với hàng ngàn tấn từ Tây Âu và Bắc Mỹ được bán sang các nước đang phát triển.

TS Brooks cho rằng, dòng quần áo cũ từ phương Tây, cùng với lượng quần áo mới giá rẻ từ Đông Á, đang gây hại cho nền công nghiệp dệt may của nhiều nước, đặc biệt ở châu Phi, nơi tiêu thụ 1/3 lượng quần áo cũ toàn cầu. Tại Uganda, đồ đã qua sử dụng chiếm tới 81% tổng lượng quần áo được bán ra. 

Đối với các quỹ từ thiện, bán quần áo cũ mà họ không tiêu thụ được mang lại nguồn thu nhập chính. Để tránh phụ thuộc vào trung gian, một số tổ chức như Oxfam và Salvation Army tự thành lập doanh nghiệp tái chế.

Ông Ian Falkingham, cựu quản lý cửa hàng khu vực của Oxfam, cho biết, trong số 11.000 tấn quần áo được tặng cho Oxfam mỗi năm, chỉ có 3.000 tấn (27%) bán được. Trong 8.000 tấn còn lại, 1.000 tấn bị loại bỏ và 5.600 tấn được đưa sang Đông Âu, Đông và Tây Phi.

Theo Trúc Quỳnh

Tiền Phong/BBC

Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *