Tiêu Dùng 22/09/2014 16:38

Trái cây Thái Lan “tung hoành” chợ Việt: Bỏ nhỏ lẻ, tăng liên kết sản xuất

Trái cây ngoại tràn ngập thị trường Việt Nam trong đó có nguyên nhân từ những yếu kém của sản xuất trong nước.

Hiện nay các loại trái cây của Thái Lan đang được bày bán khắp các chợ ở nước ta đe dọa đến sản xuất, tiêu thụ của trái cây trong nước. Chúng ta cần làm gì để giải quyết vấn đề này? Chúng tôi đã phỏng vấn TS Nguyễn Quốc Hùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả T.Ư (Bộ NNPTNT).

Với điều kiện thời tiết lý tưởng, Việt Nam có rất nhiều mặt hàng trái cây được coi là “đặc sản”, vậy tại sao thị trường trái cây của Việt Nam lại đang có nguy cơ bị Thái Lan và một số nước “chiếm lĩnh”, thưa ông?

- Trong những năm gần đây, ngành sản xuất rau quả của Việt Nam đã đạt được những kết quả rất lớn. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu rau quả của chúng ta đã đạt 1 tỷ USD và ngoài các thị trường xuất khẩu chủ yếu trong nhiều năm qua, một số sản phẩm quả của Việt Nam đã xuất khẩu vào được các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản.

Theo tôi, với sự đa dạng về điều kiện đất đai, khí hậu, Việt Nam chúng ta có rất nhiều loại quả đặc sản và hiện đã có một số vùng sản xuất cây ăn quả tập trung từ các tỉnh phía Bắc cho tới các tỉnh phía Nam. Đó là những thuận lợi rất lớn để phát triển sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm quả nâng cao tổng giá trị sản lượng cho đất nước, nâng cao thu nhập cho người nông dân trồng cây ăn quả.

Tuy nhiên, có sự lo ngại cho rằng, trái cây Thái Lan không chỉ chiếm lĩnh thị trường của Việt Nam trong thời gian ngắn tới đây, mà còn chiếm lĩnh luôn cả những thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam?

- Đúng là đã có một số loại quả của Thái Lan đang được bán tại Việt Nam như nhãn, xoài, sầu riêng, măng cụt… Khi chúng ta ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AFTA) được thiết lập, sẽ có nhiều sản phẩm quả của Thái Lan được bán tại Việt Nam hơn. Mặt khác, Thái Lan cũng có thể sử dụng đường bộ của Việt Nam để xuất khẩu quả sang Trung Quốc. Khi đó, các sản phẩm quả của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn so với thời điểm này.

Chúng ta đã có một số vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, nhưng hầu hết đang là mô hình sản xuất hộ nông dân nhỏ lẻ, khó áp dụng các quy trình sản xuất để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn đặt ra của các nhà nhập khẩu. Cũng do quy mô sản xuất nhỏ, khó áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất, do vậy mà giá thành sản xuất các sản phẩm quả của chúng ta cao hơn giá thành sản phẩm cùng loại của Thái Lan.

Chất lượng và mẫu mã trái cây vẫn là một điểm yếu của Việt Nam khi cạnh tranh với trái cây Thái Lan cũng như các nước khác. Chúng ta đã biết điều này, nhưng có vẻ vẫn chưa tìm được hướng giải quyết?

- Để nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm quả của chúng ta với các sản phẩm quả của Thái Lan, chúng ta cần lựa chọn và áp dụng các mô hình sản xuất phù hợp hơn như: tổ, nhóm sản xuất hoặc các hợp tác xã sản xuất.

Với các mô hình sản xuất phù hợp, bà con nông dân cần áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến để tiến tới các sản phẩm quả của chúng ta sản xuất ra đều có thể đạt được một trong các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hay Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-132:2013/BNNPTNT mới được Bộ NNPTNT ban hành.

Mặt khác, Nhà nước cần có những chính sách làm sao để quản lý tốt hơn về giá và chất lượng sản phẩm của các vật tư đầu vào sử dụng trong sản xuất của bà con nông dân.

Về lâu dài, khâu quy hoạch sản xuất trái cây là rất quan trọng. Bởi có quy hoạch, chúng ta mới định hướng được sản xuất cho hiệu quả. Vậy cần làm gì để thay đổi khâu này, thưa TS?

- Chúng ta đã có quy hoạch phát triển ngành sản xuất rau quả, song trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị ký kết các hiệp định tự do thương mại, cần có sự rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển sản xuất một số loại cây ăn quả chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam cho phù hợp với bối cảnh mới.

Từ quy hoạch mới, các địa phương cần tổ chức lại sản xuất theo quy hoạch với các mô hình sản xuất phù hợp, theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao được năng suất và chất lượng các sản phẩm quả chủ lực, đặc biệt là sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam và quốc tế hay Quy chuẩn sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm của Bộ NNPTNT mới được ban hành.

Bên cạnh đó, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học cần đưa nhanh các giống mới, các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất, thâm canh cây ăn quả vào áp dụng trong sản xuất.

Và cuối cùng là Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách quản lý, hỗ trợ phù hợp hơn để các sản phẩm quả của bà con nông dân sản xuất ra có giá thành và chất lượng sản phẩm có thể cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực.

Xin cảm ơn ông!

Chưa phát hiện trái cây Thái vi phạm kiểm dịch

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Hồng- Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật  cho biết: “Đến thời điểm này, chúng tôi chưa phát hiện có lô trái cây nào từ Thái Lan vi phạm các quy định kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Việt Nam. 

Tất cả các lô hàng trái cây được nhập khẩu vào Việt Nam, tại cửa khẩu nhập lô hàng sẽ được cơ quan kiểm dịch tiến hành kiểm dịch theo quy trình... 

Nếu lô hàng trái cây đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch thực vật nhập khẩu của Việt Nam thì sẽ được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu và được thông quan nhập khẩu. Phương Vy

   

Theo Thanh Xuân

Dân Việt

Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *