Tiêu Dùng 03/09/2014 10:44

Số lượng đơn đặt hàng mới giảm lần đầu tiên trong 9 tháng

FICA - Tốc độ tăng sản lượng ngành sản xuất tiếp tục chậm lại trong tháng 8 và là chậm nhất trong thời kỳ tăng trưởng kéo dài 11 tháng vừa qua.

Sáng nay 3/9, Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) phối hợp cùng với công ty Markit Economics công bố Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 8/2014.

Dữ liệu PMI mới nhất cho thấy lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục suy giảm nhẹ khi tăng trưởng sản lượng chậm lại và số lượng đơn đặt hàng mới giảm nhẹ trong tháng 8. Tồn kho hàng thành phẩm tăng nhanh trong khi hoạt động giao hàng cho khách hàng bị chậm trễ. Những khó khăn về vận tải do thực thi quy định hạn chế tải trọng xe cũng ảnh hưởng đến thời gian giao hàng của nhà cung cấp và góp phần làm giá cả đầu vào tiếp tục tăng mạnh.

Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI™) toàn phần được điều chỉnh theo mùa - một chỉ số tổng hợp được tạo ra nhằm khái quát các điều kiện hoạt động của ngành sản xuất - đã giảm tháng thứ tư liên tiếp, từ mức 51,7 điểm trong tháng 7 xuống còn 50,3 điểm trong tháng 8, cho thấy một mức cải thiện yếu nhất về điều kiện kinh doanh kể từ tháng 11/2013.

Theo HSBC, tốc độ tăng sản lượng ngành sản xuất tiếp tục chậm lại trong tháng 8 và là chậm nhất trong thời kỳ tăng trưởng kéo dài 11 tháng vừa qua.

Nguyên nhân làm cho sản lượng tăng yếu là số lượng đơn đặt hàng mới đã giảm lần đầu tiên trong chín tháng. Tuy nhiên, mức độ giảm chỉ là nhỏ. Những người trả lời khảo sát báo cáo giảm lượng công việc mới cho biết nhu cầu khách hàng đã giảm. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng giảm, từ đó kết thúc thời kỳ tăng kéo dài năm tháng.

Số lượng đơn đặt hàng mới giảm làm cho lượng công việc tồn đọng giảm trong suốt bốn tháng qua, mặc dù mức độ giảm chỉ là nhỏ. Lượng công việc mới giảm đi cũng đã ảnh hưởng tới mức tồn kho hàng thành phẩm và mức tồn kho này đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong 13 tháng. Một số thành viên nhóm khảo sát cũng đã coi sự chậm trễ trong hoạt động giao hàng là nguyên nhân dẫn đến tăng hàng tồn kho.

Thời gian giao hàng của người bán hàng tiếp tục bị kéo dài thêm trong tháng 8 khi quy định hạn chế tải trọng xe tiếp tục làm chậm hoạt động giao hàng. Thời gian giao hàng kéo dài trong suốt sáu tháng, và với mức độ tương đương với mức độ được ghi nhận trong tháng 7.

Chi phí đầu vào tiếp tục tăng mạnh trong tháng và chi phí vận chuyển tăng lên do quy định hạn chế tải trọng xe và chi phí nhiên liệu cao. Tuy nhiên, mức tăng giá đầu vào là chậm nhất kể từ tháng 4. Việc chuyển gánh nặng chi phí sang cho khách hàng làm cho giá cả đầu ra của các công ty sản xuất Việt Nam tăng ba tháng liên tiếp. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá chỉ là nhẹ.

Tình trạng nhân sự trong lĩnh vực sản xuất nhìn chung không thay đổi trong tháng 8. Một số thành viên nhóm khảo sát đã tuyển thêm nhân viên để đáp ứng nhu cầu sản xuất gia tăng, nhưng những người khác lại cho biết có tình trạng nhân viên nghỉ việc, đôi khi là để tìm kiếm mức lương cao hơn ở nơi khác.

Mặc dù hoạt động mua hàng tiếp tục tăng, tốc độ tăng chỉ là nhẹ và là yếu nhất trong thời kỳ tăng kéo dài suốt một năm vừa qua. Một số thành viên nhóm khảo sát cho biết đã giảm hoạt động mua hàng vì nhu cầu khách hàng giảm. Tốc độ tăng hoạt động mua hàng hóa đầu vào chậm hơn dẫn đến hàng tồn kho trước sản xuất đã giảm nhẹ, từ đó kết thúc thời kỳ tăng kéo dài hai tháng.

Bình luận về cuộc khảo sát chỉ số PMI™ ngành sản xuất Việt Nam, Trinh Nguyen Chuyên viên kinh tế - Ngân hàng HSBC cho hay: “Hoạt động sản xuất dự kiến chậm lại khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm do các điều kiện kinh doanh yếu kém ở trong và ngoài nước. Tình trạng tăng hàng tồn kho và giảm số lượng đơn đặt hàng mới cho thấy sản lượng sẽ vẫn bị kìm hãm trong những tháng tới. Chúng tôi kỳ vọng sản lượng sẽ bật tăng trở lại vào quý 4 khi nhu cầu tăng lên”.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *