Tiêu Dùng 30/07/2014 15:47

Người tiêu dùng vẫn chuộng "ăn dè hà tiện"

FICA - Theo khảo sát của Nielsen, người tiêu dùng Việt Nam quan tâm cho công việc và tình hình tài chính. Tỉ lệ tiết kiệm tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua.

Chỉ số niềm tin tiêu dùng Việt Nam giảm nhẹ một điểm so với quý trước, còn 98 điểm trong quý thứ hai của năm 2014, theo khảo sát mới nhất của Nielsen toàn cầu về niềm tin tiêu dùng và chi tiêu được công bố gần đây bởi Nielsen – công ty về thông tin và đo lường toàn cầu.

Theo Nielsen, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam giảm nhẹ trong quý 2/2014 do số người lo lắng về tài chính và công việc trong 12 tháng tới tăng so với quý trước.

Chỉ 44% người được hỏi trực tuyến cảm thấy công việc sẽ tốt hoặc rất tốt trong thời gian tới trong khi hơn một nửa (53%) cảm thấy tích cực như vậy về tình hình tài chinh của mình, cả 2 hạng mục này đều thấp hơn trung bình khu vực với lần lượt 65% và 62%.

Bên cạnh đó, chỉ 38% người tham gia phỏng vấn cho biết thời điểm này tốt hoặc rất tốt để mua sắm, thấp hơn trung bình khu vực với 42% và các nước lân cận trong khu vực như Thái Lan (47%), Philippines (50%) nhưng vẫn cao hơn Singapore (37%) và Malaysia (29%).

Tại tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á, tiết kiệm là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng trong cách sử dụng tiền nhàn rỗi (xem biểu đồ 3).  Tám trên mười người được hỏi tại Việt Nam (79%) chọn tiết kiệm tiền thừa sau khi đã trang trải sinh hoạt phí thiết yếu, mức cao nhất trong 3 năm qua và cao hơn nhiều so với trung bình khu vực với chỉ 62%.

Trong khi đó, người tiêu dùng Thái Lan quan tâm đến chi tiêu gia đình nhất trong khu vực, 92% người tiêu dùng Thái Lan đã thay đổi chi tiêu trong năm vừa qua để tiết kiệm sinh hoạt phí.

Ở Việt Nam, con số này là 85% và tương tự tại Malaysia và Philippines là 80%, 79% tại Indonesia và 58% tại Singapore, so với 64% trung bình toàn cầu.

Theo ông Vaughan Ryan, tổng giám đốc Nielsen Việt Nam, kết quả khảo sát trong quý mới nhất cùng với sự sụt giảm đáng kể của thị trường hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam trong 6 tháng vừa qua đã cho thấy một bức tranh toàn cảnh về cách người tiêu dùng phản ứng với tình hình kinh tế trong thời gian qua. Tâm lý e dè vẫn còn đè nặng trong quý 2 nhưng vẫn có cơ sở để tin vào sự phục hồi trong những tháng cuối năm. 

Phương Dung

Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *