Tiêu Dùng 10/11/2014 15:33

Hà Nội: Dự báo sức mua tháng Tết tăng 20-25%

FICA - Dự báo nhu cầu tăng cao sẽ ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa, khả năng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Hà Nội trong tháng diễn ra Tết Nguyên đán tăng cao hơn so với các tháng trong năm.

Theo đánh giá của Sở Công thương TP. Hà Nội, trong 10 tháng đầu năm, kinh tế Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn thách thức như tổng cầu tăng chậm, tăng trưởng tín dụng thấp, lượng khách du lịch giảm.

Sức mua của người dân trong năm 2014 không cao như các năm trước nguyên nhân do suy thoái kinh tế kéo dài, nền kinh tế đang gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, việc làm ít. Thu nhập được cải thiện nhưng người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu nên sức tiêu thụ không cao.

Tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn trong 10 tháng đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ, trong đó, tổng mức bán lẻ đạt 350.602 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu tăng 11%.

Theo Sở Công thương Hà Nội, nhu cầu mua sắm của nhân dân đối với các nhóm hàng thực phẩm sẽ tăng lên mạnh để chuẩn bị cho dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015 sẽ ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa, khả năng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng diễn ra Tết Nguyên đán tăng cao hơn so với các tháng trong năm.

Thời điểm cuối năm (Tết Dương lịch) và giáp Tết Nguyên đán là thời điểm thuận lợi đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong thời gian này, các doanh nghiệp liên tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến mại, giảm giá… nhằm kích cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng thông qua nhiều hình thức: mua bán truyền thống, mua bán trực tuyến.

Sở Công Thương Hà Nội dự báo tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trên địa bàn trong tháng Tết Ất Mùi năm 2015 sẽ tăng khoảng 20-25% so với các tháng trong năm, một số mặt hàng như thực phẩm tươi sống, chế biến, rau củ có thể tăng trên 20%.

Tại mặt hàng gạo tẻ, nhu cầu tiêu dùng khoảng 74.400 tấn/tháng. Nguồn cung được khai thác một phần từ khu vực nông thôn trên địa bàn và các tỉnh lân cận thuộc khu vực phía Bắc, một phần khác được khai thác từ khu vực ĐBSCL.

Trong 10 tháng đầu năm, sản lượng gạo sản xuất trên địa bàn đạt khoảng 358.000 tấn, tương đương khoảng 39.700 tấn/tháng (trong đó, 60% là gạo dùng để sản xuất chế biến các sản phẩm bún, bánh, rượu). Nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố chủ yếu tập trung vào 40% sản lượng còn lại (khoảng 15.900 tấn/tháng). Như vậy, nguồn cung ứng chỉ đáp ứng được khoảng 21% nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Dự báo trước Tết Nguyên đán, giá gạo sẽ tăng nhẹ, tập trung vào các mặt hàng gạo đặc sản và gạo nếp ngon. Mức tăng giá dự kiến khoảng 1-3%.

Tại mặt hàng thịt lợn, nhu cầu tiêu dùng khoảng 11.600 tấn lợn hơi/tháng, dự kiến tháng Tết nhu cầu có thể lên 14.000 tấn. Hiện tại, nguồn thịt lợn sản xuất trên địa bàn thành phố đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu Hà Nội. Tuy nhiên, do dịch bệnh và lưu thông hàng hóa ra ngoài địa bàn nên có những thời điểm thị trường vẫn bị thiếu hàng cục bộ, phải khai thác thêm ở các tỉnh lân cận và các tỉnh phía nam. Dự báo thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán giá bán có thể tăng nhẹ từ 5-8%.

Tại mặt hàng rau, củ, nhu cầu khoảng 75.000 tấn rau, củ, quả các loại/tháng, sản lượng rau, củ thành phố sản xuất được trong 9 tháng đầu năm đạt khoảng 142.414 tấn/năm (tương đương với 15.800 tấn/tháng). Nguồn cung cấp chủ yếu tại các huyện ngoại thành (đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu), còn lại được cung ứng từ các tỉnh lân cận và các tỉnh phía nam.

Bích Diệp

Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *