Tiêu Dùng 06/09/2014 06:50

Đừng nói ‘cấm bán bia vỉa hè’ là viển vông

Ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương nói rằng, không thể vì lý do khó khăn, "cấm bán bia trên vỉa hè" là viển vông mà lại không đưa ra chế tài kiểm soát.

Trước nhiều ý kiến trái chiều về quy định cấm bán bia trên vỉa hè, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương, cơ quan chắp bút soạn thảo dự thảo Nghị định về sản xuất kinh doanh bia, đã trao đổi với PV. VietNamNet về vấn đề này.

Cần chế tài để vận động người dân thực hiện

- Thưa ông, lý do nào để Ban soạn thảo đưa ra đề xuất cấm bán bia trên vỉa hè?

Ông Phan Chí Dũng: Khi công bố dự thảo nghị định này, chúng tôi rất mừng vì có nhiều ý kiến đóng góp, càng nhiều tranh luận càng tốt. Tuy nhiên, tôi khá buồn vì dường như, nhiều ý kiến trên các kênh truyền thông chỉ quan tâm mỗi quy định cấm bán bia trên vỉa hè, trong khi, những điểm khác quan trọng của dự thảo lại không được chú tâm nhiều đến.

Thực chất, việc cấm bán bia trên vỉa hè không phải là mới. Quyết định 244 của Thủ tướng về chính sách quốc gia phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 ban hành ngày 12/2/2014 có hiệu lực từ ngày ký đã có quy định này. Tới đây, vấn đề này còn được Quốc hội nâng lên thành luật. Chúng tôi kế thừa điểm này trong nghị định.

{keywords}
Khách Tây uống bia vỉa hè khi đi du lịch Việt Nam.

Ngoài ra, việc các nhà hàng bia bán ở vỉa hè ở nhiều nơi cũng đều đang bị cấm theo các quy định về quản lý trật tự mỹ quan đô thị rồi.

Tôi thấy lạ là tại sao, khi có Quyết định 244 thì không thấy nhiều người phản hồi việc cấm bán bia trên vỉa hè. Nay đưa vào nghị định thì lại bùng lên trong dư luận như là điểm mới?

- Ông có cho rằng, uống bia vỉa hè rất phổ biến ở Việt Nam hiện nay là xấu nên mới phải cấm?

Nhâm nhi trà tửu là nét văn hoá truyền thống của người Việt. Bản thân sản phẩm bia, rượu không có lỗi. Nhưng con người sử dụng không đúng thì sẽ gây ra nhiều tác hại, hệ luỵ xấu. Ví dụ lạm dụng quá mức sẽ gây hại cho sức khoẻ, gây tai nạn giao thông, mất trật tự an ninh xã hội...

Việc bán bia trên vỉa hè cũng gây mất mỹ quan đô thị, cản trở lối đi, thậm chí là rất bẩn thỉu. Nhiều vụ xung đột, ẩu đả đã xảy ra ở đây.

Đó cũng là lý do mà chúng tôi đồng quan điểm với Bộ Y tế, đưa các quy định về hạn chế tiêu dùng.

- Nhiều ý kiến vẫn cho rằng, cấm bán bia vỉa hè là viển vông. Ông suy nghĩ thế nào?

Nếu không có chế tài thì tình hình sẽ vẫn thế. Nếu suy nghĩ rằng, khó, không chống được đâu thì chẳng lẽ lại không đưa ra quy định cấm nữa? Nhiều người nói quy định này viển vông thì khác nào bảo khó chống ma tuý thì cũng không quy định cấm ma tuý?

{keywords}

Ông Phan Chí Dũng: Khi Quyết định 244 thì không thấy phản đối việc cấm bán bia trên vỉa hè, nay đưa vào nghị định thì lại bùng lên trong dư luận như là điểm mới (ảnh VDA)

Bởi vậy, phải đưa ra chế tài, để các cơ quan quản lý sẽ có hành lang pháp lý để quản lý, kiểm soát tốt hơn, để từ đó dần dần vận động người dân thực hiện.

Tuy nhiên, đưa ra chế tài là một chuyện. Quan trọng hơn cả là ý thức thực thi pháp luật phải nghiêm. Điều này tương tự như việc quản lý bán hàng rong ở vỉa hè, lòng đường hiện nay.

Uống 3 tỷ lít bia/năm không phải là cao

- Ông có thể cho biết, kinh nghiệm trên thế giới về vấn đề này như thế nào?

Trên thế giới, nhiều quốc gia cấm bán bia vỉa hè. Nhưng ở châu Âu, nếu bạn sang Pháp, sẽ thấy họ vẫn cho bán bia vỉa hè, nhưng họ quản lý rất tốt, rất sạch sẽ, không cản trở người đi đường.

Thậm chí, quy định cấm bán bia sau 22 giờ của Bộ Y tế đề xuất, vừa qua gây tranh cãi cũng vậy, nhiều nước châu Á cũng đã làm rồi, như Singapore. Tuy nhiên, những điểm du lịch, không gây ảnh hưởng về mỹ quan, trận tự an ninh xã hội... thì các nước vẫn cho bán. Do vậy, những nơi quản lý tốt thì vẫn cho bán bia sau 22 giờ.

- Thưa ông, mức độ uống bia tới 3 tỷ lít/năm hiện nay của người Việt phải chăng là quá nhiều nên hạn chế tiêu dùng?

Về số lượng tiêu thụ thì ở châu Á, ta đứng thứ 4, sau Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc và cao hơn Thái Lan. Tuy nhiên, nếu tính bình quân theo đầu người, với 3 tỷ lít bia tiêu thụ mỗi năm chia cho 90 triệu dân, trung bình mỗi người sử dụng 30 lít bia thì con số này thấp hơn nhiều so với mức tiêu thụ bia bình quân trên thế giới. Ví dụ ở châu Âu là 150 lít/người, ở Lào cũng cao hơn ta, khoảng 60-70 lít/người. Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản cũng đều có mức tiêu thụ bình quân nhiều hơn ở ta.

{keywords}

Nếu tính theo độ cồn thì hàm lượng hấp thụ độ cồn qua bia của người Việt cũng là loại thấp, chỉ tương đương 2-3 lít bia/người.

Nhưng như tôi đã nói, nếu lạm dụng bia thì sẽ không tốt. Cái gì mà lạm dụng quá cũng đều không tốt cả, kể cả thuốc chữa bệnh.

- Nếu nghị định ra đời, công tác quản lý sản xuất kinh doanh bia sẽ được cải thiện ra sao?

Thực ra, chúng ta đang quản lý sản xuất bia khá tốt thông qua quy hoạch. Mục tiêu tới năm 2015, chúng ta đạt 4 tỷ lít bia tiêu thụ, hiện là 3 tỷ, tức đang trong tầm kiểm soát.

Tình trạng kinh doanh, sản xuất bia cỏ kém chất lượng đã không còn. Từ 400 hiện chỉ còn 200 nhà máy, đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn và phù hợp với quy hoạch. Tốc độ tăng trưởng sản xuất bia của ta khá cao, từ chỗ phải nhập bia, toàn bia Vạn Lực của Trung Quốc thì giờ thị trường chủ yếu là bia nội.

Tuy nhiên, hình thức quản lý bằng quy hoạch không có tính pháp lý cao. Khi nâng lên thành nghị định, bia sẽ là mặt hàng sản xuất kinh doanh có điều kiện, cần phải xin phép giống như rượu. Việc quản lý sẽ chặt chẽ hơn.

Dù vậy, chúng tôi cũng vẫn đề xuất Chính phủ 2 phương án, hoặc là vẫn quản lý bằng quy hoạch hiện nay, hai là quản lý bằng nghị định, phải có cấp phép, có chế tài.

Phía các doanh nghiệp e ngại phương án thứ hai này, vì phát sinh thêm thủ tục giấy tờ. Thêm giấy phép, cũng là đi ngược lại với xu thế cải cách thủ tục hành chính hiện nay trong việc loại bớt giấy phép cho doanh nghiệp.

Dự kiến, tháng 9 chúng tôi sẽ trình Chính phủ để có thể ban hành nghị định trong năm nay.

Theo Phạm Huyền

VEF

Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *