Tiêu Dùng 13/12/2013 07:16

Điệp khúc đến hẹn lại lên… giá bia

Có thể nói, vào dịp tết thì bia và nước ngọt là mặt hàng dễ bị “kích giá” cho dù nhu cầu tiêu thụ không cao. Các đầu mối thi nhau gom mặt hàng này tồn trữ và sau đó chuyển hàng nhỏ giọt về cửa hàng bán lẻ với giá cao ngất ngưởng.



Năm nay, mục tiêu bình ổn giá của TP.HCM có phần tạm ổn ở nhóm mặt hàng thịt, gạo, trứng… nhưng riêng mặt hàng nước giải khát dường như chưa có “thuốc đặc trị”. Giá bia mới vào đầu tháng 12.2013 đã “nhảy vọt” dù nhà bán lẻ cũng như đại lý cho biết sức mua còn kém.

Bia năm nào cũng lên giá

Một đại lý cho biết, vào dịp tết Quý Tỵ (2013) năm ngoái, giá một thùng bia Heineken đã vượt quá 400.000 đồng/thùng; chỗ bán giá thấp nhất cũng 380.000 đồng/thùng. Có thể bia tết này chắc cũng tăng giá như năm ngoái.

Hầu hết các siêu thị lớn như Co.opmart, Maximark, Big C… vẫn giữ được giá bia – nước ngọt ổn định trong dịp cuối năm là do họ đã ký hợp đồng với nhà sản xuất hoặc nhà phân phối. Lẽ dĩ nhiên, yêu cầu của nhà sản xuất là phải đăng ký số lượng cụ thể cùng thời điểm nhập hàng.

Theo bà Huỳnh Thị Ngọc Trâm, đại diện truyền thông của Big C, siêu thị Big C đã có kế hoạch chuẩn bị hàng hoá cho mùa tết từ sớm do đó sẽ đảm bảo cung ứng đủ mặt hàng bia đến người tiêu dùng, không xảy ra tình trạng khan hàng. Phần lớn các loại bia đều có giá ổn định; chỉ có một vài loại như Tiger, Sài Gòn 333, Đại Việt… có giá tăng nhẹ khoảng 2%.

Theo đại diện một siêu thị lớn thì giá cả nhóm mặt hàng bia – nước ngọt về cơ bản sẽ không có biến động đáng kể ở khu vực siêu thị. Các siêu thị vốn có nguồn cung ổn định và tết cũng chính là dịp cạnh tranh về ổn định giá.

Một số siêu thị và chuỗi cửa hàng quy mô nhỏ cho biết, họ không thể đảm bảo giá bia – nước ngọt vào cao điểm mua sắm tết. Do không dự trữ hàng từ trước như các siêu thị lớn nên họ lệ thuộc hoàn toàn vào các đầu mối cung cấp bia – nước ngọt. Vào thời điểm áp tết, giá bia – nước ngọt hầu như đều tăng.

Một số cửa hàng kinh doanh bia – nước ngọt đã tìm cách đối phó với việc kiểm soát giá bia của cơ quan quản lý nhà nước bằng cách chỉ báo giá bằng miệng hoặc điện thoại; không ghi giấy báo giá như trước. Đồng thời, họ vẫn tiếp tục bán bia thùng với giá cao; chỉ giảm giá đối với đơn hàng vài chục thùng.

Buông lỏng giá bán lẻ

Một điều đáng quan ngại là các hãng bia cũng như một số siêu thị/nhà phân phối không công khai số lượng bia – nước ngọt sẽ chuẩn bị bán tết. Có nhiều mặt hàng được công bố số lượng cho truyền thông đại chúng như thịt heo, trứng, thực phẩm chế biến… nhưng riêng “mặt hàng nóng” mùa tết lại không hề có!

Một vài cá nhân tự xưng có mối quan hệ với nhà cung cấp đã nhân dịp bia tăng giá để kinh doanh bia “trực tuyến” với giá thấp hơn cửa hàng.

Ví dụ như một thùng bia 333 chào bán với giá 210.000 đồng và Saigon Special bán 270.000 đồng; rẻ hơn cửa hàng khoảng 15.000 – 30.000 đồng.

Đại diện truyền thông của công ty TNHH Bia Việt Nam (VBL) đã trả lời sở Công thương tại cuộc họp chiều 11.12.2013 rằng VBL chỉ tăng giá bia Tiger, không điều chỉnh giá đối với bia Heineken và Larue. VBL cũng cam kết từ nay đến tết sẽ không có kế hoạch tăng giá bán.

Công ty cổ phần Sabeco cũng cho giới báo chí biết rằng họ chỉ tăng giá bán bia Saigon Special chai/lon khoảng 10.000 – 20.000 đồng. Sabeco cho biết không tăng giá bia 333 và sẽ không có tình trạng thiếu bia Sài Gòn trong dịp tết.

Tuy nhiên, các hãng bia chỉ cam kết giá bán chuyển đến hệ thống đại lý cấp 1 hoặc nhà phân phối khu vực; còn giá bán lẻ trên thị trường vẫn bỏ ngỏ. Nếu như các nhà phân phối/đại lý lớn tồn trữ bia và đưa bia ra thị trường với số lượng ít, họ sẽ tha hồ đẩy giá lên cao.

Sở Công thương đã đề nghị VBL thực hiện cam kết giữ giá ổn định với tất cả đại lý cấp 1 và sẽ làm việc trực tiếp với các đại lý này. Đồng thời, các nhà sản xuất bia cũng phải báo cáo chi tiết về số lượng sản phẩm cung cấp xuống đại lý cho sở Công thương. Vừa qua, VBL chỉ báo cáo tăng 20% sản lượng so với tết năm ngoái.

Giá bia có thể “đứng giá” một thời gian khi lực lượng quản lý thị trường rà soát các siêu thị và cửa hàng bán lẻ. Nhưng, có lẽ người tiêu dùng sẽ phải chấp nhận mua bia – nước ngọt giá cao vào dịp tết nếu như siêu thị hết hàng và các cửa hàng bán lẻ đồng loạt tăng giá.

Theo Chí Thịnh

SGTT

Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *