Tiêu Dùng 19/05/2014 09:32

Có khuyến mãi, bán hàng mới trôi

Cho đến thời điểm hiện tại, người tiêu dùng vẫn cân nhắc trong hành vi mua sắm của mình, khi chỉ tìm đến các sản phẩm cấp thấp hơn để tiết kiệm chi phí, tiếp tục chuyển sang sử dụng các gói sản phẩm lớn hơn.

Giám đốc siêu thị Maximark Cộng Hòa, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho hay, tình hình kinh doanh 4 tháng đầu năm 2014 của DN này khá ổn định, doanh số tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2013. Những đợt lễ, Tết nghỉ dài ngày thời gian qua là lý do. Song theo bà Thảo, các chương trình khuyến mãi liên tục được DN triển khai cũng hút người mua đến siêu thị.

Nhóm mặt hàng mà khách luôn chọn lựa là đồ dùng thiết yếu như thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng… Hiện nay, nhiều nhà sản xuất cũng theo sát nhu cầu này của thị trường, bằng cách giảm giá sản phẩm; hay tung sản phẩm khuyến mãi có cùng chủng loại nhưng thêm khối lượng, giá không đổi...

Chính sự cố gắng kích cầu tiêu dùng của cả nhà sản xuất, hệ thống phân phối đang góp phần tăng sức mua của thị trường.

Đồng thời, các nhà sản xuất cũng cho ra đời nhiều sản phẩm với công năng, mùi hương mới, bao bì khác lạ để thúc đẩy tiêu thụ, nâng khả năng cạnh tranh. Trong năm 2013, có khoảng 4.500 sản phẩm mới được nhà sản xuất cung ứng ra thị trường hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam, tăng 30% so với con số 3.500 sản phẩm của năm 2012.

Cho đến thời điểm hiện tại, kênh siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi vẫn tiếp tục mở rộng mạng lưới do xu hướng ưa chuộng mua sắm nhanh, tiện lợi từ phía người tiêu dùng thành thị. Các nhà bán lẻ, DN sản xuất cũng đẩy mạnh khai trương cửa hàng mới để chiếm giữ thị phần.

Tuy nhiên, nhìn về tổng thể thị trường bán lẻ hiện nay, dường như sự cải thiện không phải trên diện rộng. Theo ông David Anjoubault, Tổng giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam, dù tăng trưởng kinh tế có biểu hiện phục hồi trong quý I/2014, nhưng, 1/3 các ngành hàng tiêu dùng nhanh vẫn suy giảm về khối lượng tiêu thụ ở thành thị.

Các ngành hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các mặt hàng chăm sóc cá nhân không thiết yếu như hóa mỹ phẩm như chất khử mùi, dao cạo râu, khăn giấy bỏ túi, nước súc miệng… Các kênh bán lẻ, xu hướng ngắn hạn cho thấy sự suy giảm ở thành thị, ngoại trừ siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi.

Nhưng, đáng chú ý là xu hướng mua sắm tập trung vào các đợt khuyến mãi đang hình thành ở thành thị, đặc biệt với hàng tiêu dùng nhanh. Theo Kantar Worldpanel Việt Nam, thị trường hàng tiêu dùng nhanh đến cuối quý I/2014 ở thành thị tăng trưởng 9% so với cùng kỳ năm 2013. Cho đến thời điểm hiện tại, người tiêu dùng vẫn cân nhắc trong hành vi mua sắm của mình, khi chỉ tìm đến các sản phẩm cấp thấp hơn để tiết kiệm chi phí, tiếp tục chuyển sang sử dụng các gói sản phẩm lớn hơn.

Đi theo xu hướng này, 62% các ngành hàng tăng về kích cỡ trung bình của sản phẩm. Với ngân sách hạn hẹp, người tiêu dùng có xu hướng mua nhiều hơn khi có khuyến mãi. Tiêu dùng trung bình của một hộ gia đình thành thị đối với các sản phẩm có khuyến mãi tăng khoảng 38%, trong khi tiêu dùng trung bình cho các sản phẩm không có khuyến mãi chỉ tăng ở mức 3%.

Theo Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2014, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 939,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 5,5%, cao hơn mức tăng 4,7% của cùng kỳ năm 2013).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bốn tháng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 35,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,7%, tăng cao nhất với mức 26,9% do thế mạnh về cạnh tranh mặt bằng, tiện ích bán lẻ và cung cấp dịch vụ; khu vực kinh tế Nhà nước đạt 92,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,9% tổng mức và tăng 9,1%; kinh tế ngoài Nhà nước đạt 811,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 86,4%, tăng 10%. 

Theo Thanh Trà

Thời báo ngân hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *