Tiêu Dùng 14/05/2015 08:01

Bài ca xăng tăng giá, quỹ bình ổn dư khủng

Sau khi giá xăng tăng 11% từ ngày 5/5, Bộ Tài chính cho biết, quỹ bình ổn giá xăng dầu đang dư hơn 2.800 tỷ đồng

Cụ thể, với tổng mức chi quỹ bình ổn giá xăng dầu trong 3 tháng đầu năm là trên 3.303 tỷ đồng,  số dư quỹ này tính tới hết 31/3 vẫn còn hơn 2.843 tỷ đồng.

 

Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, trong số 21 doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu được thống kê, hiện có 12 doanh nghiệp có số dư quỹ.

 

Trong số này, dư quỹ lớn nhất là Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với trên 1.924 tỷ đồng sau 3 tháng đầu năm. Petrolimex đã trích tổng cộng hơn 993 tỷ đồng và chi trên 1.232 tỷ đồng trong quý 1 của năm nay.

 

Có số dư quỹ lớn thứ hai là Tổng công ty Xăng dầu quân đội với trên 322 tỷ đồng. Ngoài ra, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) sau 3 tháng còn dư trên 284,9 tỷ đồng; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cũng có số dương hơn 254,7 tỷ đồng.

 

Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang dư hơn 2.800 tỷ đồng.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang dư hơn 2.800 tỷ đồng.
 

Với những doanh nghiệp âm quỹ, thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, Tổng công ty Kỹ thuật và Đầu tư (PETEC) là đơn vị dẫn đầu với số tiền âm trên 144,9 tỷ đồng.

 

Trong khi đấy, một số đơn vị khác như: Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Nam Việt, Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội, Công ty cổ phần Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu hiện đang hụt quỹ khoảng 19,5-23,9 tỷ đồng.

 

Công bố của Bộ Tài chính chưa giải đáp được thắc mắc của người tiêu dùng, những người tạo nên quỹ bình ổn giá xăng dầu, là số tiền lớn như vậy đã và đang được các doanh nghiệp sẽ sử dụng như thế nào.

 

Trước đó, trong lần điều chỉnh giá xăng, dầu gần nhất vào ngày 5/5, mức xả quỹ bình ổn giá với xăng đã tăng 446 đồng/lít, từ mức 991 đồng/lít lên mức 1.437 đồng/lít, xăng E5 từ mức 991 đồng/lít lên 1.272 đồng/lít. Ngoài ra, mức xả đối với mặt hàng dầu diesel các loại cũng tăng 188 đồng/lít, từ mức 134 đồng/lít lên mức 322 đồng/lít.

 

Với mức xả quỹ này, mỗi lít xăng được bán ra với giá 19.230 đồng/lít, tăng 11% so với mức giá trước đó. Người dân vừa phải trả một khoản cho cú tăng giá này, vừa tiếp tục phải đóng tiền cho quỹ bình ổn như thường lệ.

 

Lâu nay, nhiều chuyên gia kinh tế đã thẳng thắn nói về sự thiếu minh bạch của quỹ bình ổn xăng dầu, thậm chí nhiều ý kiến đề xuất nên loại bỏ hẳn quỹ này.

 

Chuyên gia kinh tế Phan Minh Ngọc, trong một bài viết trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, đã chỉ rõ: Về bản chất, quỹ bình ổn xăng dầu hiện nay ở Việt Nam đang lấy tiền của chính người mua xăng dầu để “bình ổn” giá cho người mua xăng dầu. Do đó, xét về an sinh xã hội (hiểu nôm na ở đây là quyền lợi của người mua xăng dầu, và từ đó lan tỏa ra khắp xã hội) không được cải thiện gì, vì người mua xăng dầu tuy có được mua xăng dầu bình ổn với giá không tăng trong tương lai gần nhưng đó chỉ là do họ đã ứng trước cho phần giá tăng lên này, chứ sự “bình ổn” không tự nhiên đến, hoặc đến nhờ có tiền trợ giá của một bên thứ ba, chẳng hạn, nhà nước.

 

Thêm nữa, xét về tác dụng ổn định giá cả, chính phần tiền ứng trước cho Quỹ bình ổn này làm cho giá cả xăng dầu thay vì lẽ ra phải/sẽ tăng lên vào một thời điểm trong tương lai thì lại tăng ngay vào thời điểm trích lập Quỹ bình ổn hiện tại. Nói cách khác, và suy rộng ra, Quỹ bình ổn sẽ “kéo” sự  tăng giá (tức lạm phát) trong tương lai về hiện tại.

 

Ông Ngọc còn chỉ rõ: "Quỹ bình ổn còn gây hại ở chỗ nó là “hố đen” để một nhóm người nào đó có thể trục lợi, vì mọi việc liên quan đến Quỹ bình ổn không thể minh bạch hoàn toàn được. Đó là chưa nói đển tổn thất tính vào Quỹ bình ổn, tức là được “trừ” vào lợi ích của người tiêu dùng, khi mà việc quản lý Quỹ bình ổn làm phát sinh chi phí quản lý và đủ loại chi phí liên quan khác.

 

Nói cách khác, sẽ là không quá khi kết luận rằng Quỹ bình ổn thực ra lại làm tổn hại đến an sinh xã hội cũng như kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô, vì một phần của nguồn lực xã hội bị tiêu tốn một cách vô ích".

 

Đồng quan điểm, chuyên gia Ngô Trí Long đã khẳng định trên Đất Việt: "Việc trích lập quỹ bình ổn thực chất người tiêu dùng đã phải mua đắt giá xăng cho thời điểm trích lập quỹ, để rồi được trả lại số tiền đó nhờ mua xăng dầu với giá "rẻ" hơn khi "xả" quỹ.

 

Cảnh "mượn đầu heo nấu cháo" này khiến người tiêu dùng, luôn phải chịu thiệt thòi do phải trích quỹ dự phòng "kiểu cho vay không lãi" với số tiền không nhỏ. Cuối cùng, chỉ doanh nghiệp được lợi còn người tiêu dùng chịu cảnh thiệt đơn, thiệt kép".

 

Theo An Nhiên

Đất Việt

Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *