Tiêu Dùng 17/11/2013 09:43

Ba bộ bắt tay, giá sữa vẫn rục rịch tăng

Thông tư số 30 của Bộ Y tế ban hành danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc hàng hóa thực hiện bình ổn giá có sẽ hiệu lực 20/11. Tranh thủ những ngày cuối cùng trước khi Thông tư có hiệu lực, các đại lý, cửa hàng sữa trên thị trường Hà Nội đang chạy đua tăng giá.

Giá tăng 3-5%
 
Tại các cửa hàng kinh doanh sữa như: Hàng Buồm (Hoàn Kiếm), Ngọc Lâm (Long Biên), Xuân Thủy (Cầu Giấy), Nguyễn Trãi (Thanh Xuân)…, giá cả mặt hàng sữa bột dành cho trẻ dưới 6 tuổi vẫn ở mức khá cao, đặc biệt là các loại sữa nhập khẩu, tăng từ 3-5% so với những ngày trước đó.
 
Anh Trần Việt Phương, ở phố Tống Duy Tân, Hà Nội cho biết: “Giá sữa trên thị trường đang cao, đặc biệt là sữa nhập khẩu về của một số hãng sữa bên nước ngoài, giá cả cao gấp đôi, gấp 3 lần so với giá sữa nội. Với giá sữa như thế, các bé khó có cơ hội uống nhiều sữa, đủ sữa vì còn phải phụ thuộc vào kinh tế của từng gia đình. Nếu giá sữa được điều chỉnh thấp hơn sẽ tốt hơn”.     
 
Mặc dù chỉ còn gần một tuần nữa đến thời điểm Thông tư 30 của Bộ Y tế có hiệu lực, các chủ cửa hàng cho biết vẫn chưa nhận được thông báo nào của các hãng sữa sẽ điều chỉnh giá thời gian tới. 
 
Trước đây, các hãng sữa muốn tăng giá, cũng phải gửi thông báo trước 10 ngày.
 
Chị Hoàng Thị Hà, chủ cửa hàng sữa trên phố Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội nói: “Ổn định giá sữa là do các công ty sữa, cửa hàng chỉ là trung gian bán hàng”.
 
 
Giá cả mặt hàng sữa bột dành cho trẻ dưới 6 tuổi vẫn ở mức cao, đặc biệt là các loại sữa nhập khẩu tăng từ 3-5%.
Giá cả mặt hàng sữa bột dành cho trẻ dưới 6 tuổi vẫn ở mức cao, đặc biệt là các loại sữa nhập khẩu tăng từ 3-5%.
 
 
Sữa là 1 trong danh mục 14 mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý giá. Hiện thị trường Việt Nam có hơn 200 doanh nghiệp nhập khẩu sữa nguyên liệu và thành phẩm, trong đó nhiều dòng sữa ngoại chiếm trên 70% thị phần.
 
Các chuyên gia cho rằng, có một nghịch lý là trong môi trường cạnh tranh mạnh mẽ, đáng ra các hãng sữa phải hạ giá thành để thu hút người tiêu dùng, nhưng từ năm 2007, giá sữa lại liên tục tăng mà không hề giảm. 
 
Theo số liệu từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong 6 tháng đầu năm nay, có 5 doanh nghiệp sữa gửi thông báo tăng giá từ 2% đến 16%. Như vậy, chưa đầy 3 năm, giá sữa nhập khẩu đã tăng đến 30 lần. 
 
Thậm chí nhiều nhà sản xuất còn thay tên đổi họ mặt hàng sữa để được tự do tăng giá. Thời gian tới, theo thông tư số 30 của Bộ Y tế quy định, các hãng sữa phải đăng ký giá bán và khi tăng giá cũng phải thông báo cho các cơ quan chức năng.
 
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cho rằng: “Bây giờ có cơ chế này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải vào cuộc một cách có hiệu quả, kiểm tra chi phí đầu vào. Nếu giá nhập phải kiểm tra từ hải quan giá đầu vào thế nào và xem cơ cấu giá hợp lý chưa khi đó mới chấp nhận nó”.
 
Ba bộ có giữ được giá sữa?
 
Thông tư 30 của Bộ Y tế về quản lý giá sữa có hiệu lực, trước mắt sẽ có những hiệu quả tâm lý nhất định. Các doanh nghiệp sẽ nhận thấy thông điệp, mặt hàng “độc quyền” giờ đã vào tầm kiểm soát, không thể thích thì tăng giá, hoặc là tăng rồi mới báo cáo. 
 
Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu, trước ngày 25/11, 6 doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh sữa lớn phải báo cáo rõ việc tăng giá sữa và lý do tăng trong thời gian từ đầu năm đến nay. Đây cũng là điều mong mỏi của người tiêu dùng muốn biết được lý do họ bị các hãng sữa móc túi từ nhiều tháng qua.
 
Ông Nguyễn Xuân Chiến- Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, căn cứ theo danh mục những mặt hàng sữa và sản phẩm sữa ban hành, lực lượng Quản lý thị trường, Bộ Công Thương hoàn toàn có chức năng kiểm tra các Cty kinh doanh sữa, nếu phát hiện những hành vi thực hiện không đúng quy định giá trong kinh doanh thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 
 
Bên cạnh đó, khi đưa sữa và các sản phẩm từ sữa vào diện phải quản lý giá của Nhà nước, thì chắc chắn những DN kê khai giá không đúng với cơ cấu giá sẽ được hạn chế; ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài Chính kiểm tra việc tăng giá của các DN kinh doanh sữa thuộc diện phải kê khai giá, nếu không phù hợp liên bộ sẽ yêu cầu các DN điều chỉnh theo đúng quy định.
 
 
Theo Hà Oanh
Tổng hợp VOV, ĐVO
Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *