Tiêu Dùng 26/09/2014 16:47

"Dầu bẩn" từ Đài Loan có thể vào Việt Nam qua đường xách tay

FICA - Cục Quản lý Cạnh tranh cho rằng, không loại trừ khả năng một số sản phẩm đã có mặt và lưu thông tại Việt Nam thông qua đường xách tay hoặc nhập lậu.

Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh vừa tổng hợp và thông tin tới người tiêu dùng một số nội dung liên quan tới vụ bê bối dầu ăn “bẩn” được tái chế từ váng dầu cống rãnh, rác thải nhà bếp và nghi ngờ là cả mỡ động vật nhiễm bệnh của tập đoàn Chang Guann, Đài Loan đang gây chấn động tại nhiều nước, đặc biệt là các nước châu Á.

Các chuyên gia y tế cảnh báo dầu ăn này có thể chứa chất gây ung thư. Đáng lo ngại, trong danh sách 12 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu thực phẩm được chế biến bằng dầu bẩn có cả Việt Nam. 

Cục Quản lý Cạnh tranh cho biết, ngày 10/9/2014, theo thông tin của Cục An toàn thực phẩm, Cục đã tiếp nhận thông tin về việc tập đoàn Chang Guann của Đài Loan sản xuất và kinh doanh dầu ăn được tái chế từ váng dầu cống rãnh và rác thải nhà bếp. Sau khi nhận được thông tin, Cục An toàn thực phẩm đã tiến hành rà soát danh sách các sản phẩm dầu ăn và các sản phẩm từ dầu ăn của Đài Loan được công bố để nhập khẩu vào Việt Nam. Hiện tập đoàn Chang Guann chưa có sản phẩm nào đã công bố để nhập khẩu vào Việt Nam.

Cục An toàn thực phẩm cũng đã có công văn gửi Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội và Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm của Đài Loan để kiểm tra và cung cấp thông tin liên quan.

 

Ngày 15/9, Cục An toàn thực phẩm đã phát hiện Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Cửu Hương có nhập lô hàng chứa 2 sản phẩm nghi ngờ bị nhiễm dầu bẩn là dưa chuột trộn thịt lợn đóng hộp loại 170g, số lượng 240 thùng (ngày sản xuất 1/5/2014, hạn sử dụng 1/5/2017) và sốt thịt cay đóng hộp loại 150g, số lượng 240 thùng, ngày sản xuất 31/5/2014, (hạn sử dụng 31/5/2017). Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội đã xác nhận Công ty TNHH Dịch vụ Thương Mại Cửu Hương có nhập khẩu thực phẩm từ Công ty Wei Chuan – Công ty có tên trong danh sách các công ty có sử dụng dầu được sản xuất bởi Chang Guann.

 

Tuy nhiên, ngày 16/9, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM đã làm việc với Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Cửu Hương. Qua kiểm tra tại Công ty, Đoàn làm việc không phát hiện thấy lô hàng nghi ngờ bị nhiễm dầu bẩn từ Đài Loan. Đại diện doanh nghiệp Cửu Hương cũng khẳng định từ đầu năm 2014 đến nay không nhập khẩu và phân phối 2 sản phẩm trên. Hải quan cảng Cát Lái (TP HCM) cũng đã rà soát, đối chiếu danh mục hàng hóa nhập khẩu của Công ty Cửu Hương. Kết quả cho thấy, Công ty nhập nhiều mặt hàng từ Đài Loan và làm thủ tục qua cảng Cát Lái, hầu hết liên quan đến lương thực, thực phẩm như: mì bò, củ cải, trà xanh… tuy nhiên, không có 2 loại thực phẩm nêu trên.

Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, như vậy, thông qua nhiều nguồn tin khác nhau, cho đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng chưa phát hiện sự có mặt của các sản phẩm bị nghi được sản xuất từ dầu ăn nhiễm bẩn của Đài Loan tại Việt Nam.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng, nhằm hạn chế tác hại của các sản phẩm nhập khẩu theo đường không chính thống, Cục Quản lý cạnh tranh khuyến cáo người tiêu dùng  thường xuyên cập nhật thông tin về vụ việc liên quan được các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc an toàn thực phẩm công bố.

Cục cũng khuyến cáo người tiêu dùng chủ động thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật An toàn thực phẩm. Cụ thể, trong vụ việc này, người tiêu dùng cần tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm trước khi mua bán, sử dụng.

Theo Cục, hiện tại, các cơ quan chức năng chưa phát hiện các sản phẩm nghi ngờ bị nhiễm bẩn theo đường nhập khẩu chính thống vào Việt Nam. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng một số sản phẩm đã có mặt và lưu thông tại Việt Nam thông qua đường xách tay hoặc nhập lậu. Vì vậy, người tiêu dùng cần quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Để đảm bảo an toàn, người tiêu dùng chỉ nên sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có tên, địa chỉ công ty sản xuất không nằm trong danh sách các công ty có khả năng bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, cần thông báo ngay cho các cơ quan chức năng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an toàn thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm, Cục Quản lý cạnh tranh) khi phát hiện dấu hiệu về các sản phẩm nghi ngờ được chế biến, nhập khẩu từ nguồn dầu ăn nhiễm bẩn từ Công ty Chang Guann hoặc các doanh nghiệp khác.

Phương Dung

Theo VCA

Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *