Quốc tế 28/03/2014 11:49

Tập đoàn lớn đổ xô tới Myanmar làm ăn

FICA - Các tập đoàn từ Coca-Cola đến Suzuki Motor đang gấp rút triển khai kế hoạch đầu tư tại Myanmar sau 5 thập kỷ quốc đảo này bị cô lập.

Sau khi mở một nhà máy đóng chai tại Myanmar năm ngoái, Coca-Cola dự kiến sẽ đầu tư 200 triệu USD trong vòng 5 năm tới. Tập đoàn Suzuki của Nhật Bản cũng nối lại hoạt động sản xuất xe tải sau khi rút khỏi thị trường này năm 2010.


Asahi Group Holdings, công ty sản xuất bia lớn nhất Nhật Bản trong tháng này cũng cho biết sẽ lập liên doanh sản xuất đồ uống có ga với kinh phí 22 triệu USD và bắt đầu hoạt động tại Myanmar từ tháng 6 năm nay. ANA Holdings, hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản cũng nối lại các chuyến bay tới Myanmar trong bối cảnh nhu cầu đi lại của giới doanh nhân tới đây ngày càng tăng.


Các doanh nghiệp bắt đầu xây dựng nhà máy ở Myanmar nhằm tận dụng lao động giá rẻ hơn các thị trường truyền thống trước kia như Trung Quốc. Trong khi xuất khẩu gạo, khí đốt và gỗ, Myanmar cũng nhập khẩu thép, vật liệu xây dựng, máy móc và linh kiện để xây nhà máy, cơ sở hạ tầng.


Mitsushige Akino, giám đốc một công ty quản lý tài sản tại Tokyo, cho rằng: “Myanmar sẽ trở thành một trung tâm công nghiệp quan trọng nhờ chi phí lao động thấp hơn so với Trung Quốc. Họ cần tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng để đảm bảo hoạt động thông suốt cho các nhà máy”.


Tuy nhiên, chiến lược gia tại Viện nghiên cứu kinh tế và chứng khoán Rakuten, ông Masayuki Kubota nhận định: “Myanmar sẽ phải mất một thời gian để trở thành một quốc gia công nghiệp lớn. Nhập khẩu máy móc là một phần trong tiến trình của Myanmar để trở thành nền kinh tế công nghiệp. Họ cần một lượng đầu tư lớn”.


Myanmar bắt đầu nhập nguyên liệu cơ bản để nâng cấp hạ tầng sau khi Mỹ, châu Âu và Nhật Bản nới lỏng lệnh trừng phạt kể từ cuộc tổng tuyển cử dân chủ năm 2012. Myanmar cũng dự kiến tăng gấp đôi lượng xuất khẩu gạo, thúc đẩy giao thương, mở cửa nền kinh tế, cạnh tranh với Thái Lan, Việt Nam và Campuchia. Myanmar đặt mục tiêu xuất khẩu 2,5 triệu tấn gạo giai đoạn 2014-2015 và 4,8 triệu tấn giai đoạn 2019-2020.


Myanmar dự kiến sẽ nâng cấp đường xá, cầu cảng để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Hiện Nhật Bản đang hỗ trợ Myanmar xây dựng một tổ hợp cảng và khu công nghiệp ở Thilawa, cách thành phố Yangon 25km về phía Nam, trong khi Thái Lan cũng sẽ giúp xây dựng một cảng nước sâu và khu công nghiệp với kinh phí đầu tư 8,6 tỷ USD ở Dawei. Theo khảo sát của World Bank năm 2012, Myanmar đứng thứ 129/155 về logistics, so với Thái Lan là thứ 38, Việt Nam thứ 53.


Tổng thống Myanmar hồi tháng 1 dự đoán, tăng trưởng kinh tế nước này giai đoạn 2014-2015 có thể đạt 9,1%. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào tốc độ tái thiết nền kinh tế. Theo ước tính của hãng tư vấn McKinsey Global, Myanmar cần khoảng 320 tỷ USD đầu tư vào hạ tầng đến năm 2030 nếu kinh tế tăng trưởng 8%/năm.


Tuy chỉ bằng một phần nhỏ so với GDP Thái Lan nhưng GDP của Myanmar năm 2010 đã tăng gấp 3 lần so với năm 1998 lên 45 tỷ USD, theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế.



Phương Linh
Theo Bloomberg

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *