Tiền và Hàng 13/04/2015 10:11

Thủy sản Việt Nam “so găng” Trung Quốc, Thái Lan ở thị trường Australia

FICA – Năm 2014, Việt Nam là nước cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho thị trường Australia, chiếm 13,7% thị phần, sau Thái Lan và Trung Quốc (chiếm lần lượt 22,9% và 18,1% thị phần).

Mặt hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Australia là tôm

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), trong năm 2014, nhập khẩu các loại hàng hóa vào Australia đạt 228,7 tỷ USD, riêng nhập khẩu thủy sản đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2013.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, trong năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Australia đạt 3,99 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm 2013. Trong đó xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Australia đạt 239 triệu USD, tăng 16%.

Việt Nam là nước cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho thị trường Australia, chiếm 13,7% thị phần, sau Thái Lan và Trung Quốc (chiếm lần lượt 22,9% và 18,1% thị phần).

Theo thống kê từ thương vụ Australia, mặt hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Australia là tôm, chiếm 59% giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, trong đó tôm đông lạnh chiếm gần 25%. Trên thị trường tôm Australia, Việt Nam chiếm 30% thị phần, chỉ sau Trung Quốc 35%.

Đối với sản phẩm tôm đông lạnh, Việt Nam chiếm 18,4% thị phần, Trung Quốc 41%. Tuy nhiên, đối với sản phẩm tôm chế biến, Việt Nam giữ ngôi vị quán quân với thị phần áp đảo 51,5%, trong đó sản phẩm tôm chế biến đóng hộp kín khí chiếm tỷ trọng chi phối 65%, tôm chế biến không đóng hộp kín khí chiếm trên 42% thị phần. Với mức tăng trưởng 41%, tôm chế biến của Việt Nam đang có nhiều cơ hội để mở rộng thị phần trên thị trường Australia.

Xuất khẩu phile đông lạnh các loại cá nước ngọt như cá rô phi, cá vược, cá chép, cá chình, cá quả…chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 sang thị trường Australia với 16,3%. Tại thị trường này, Việt Nam chiếm 21,7% thị phần, chỉ đứng sau New Zealand. Trong khi xuất khẩu của New Zealand sang thị trường này đang sụt giảm thì Việt Nam vẫn giữ tăng trưởng khả quan 7% trong năm 2014.

Xuất khẩu cá tra phile đông lạnh hiện chỉ chiếm 7,2% xuất khẩu sang thị trường này. Năm 2014, xuất khẩu cá tra sang Australia tăng 17%. Cùng với các loài cá nước ngọt khác, xuất khẩu cá tra sang Australia có triển vọng tăng hơn nữa trong năm nay và những năm tới.

Tuy nhiên, đáng chú ý là cá ngừ vằn chế biến, đóng hộp là sản phẩm được xuất khẩu nhiều thứ 2 vào thị trường Australia sau tôm đông lạnh, nhưng hiện nay Việt Nam chỉ chiếm thị phần rất nhỏ 0,2%, trong khi Thái Lan chiếm lĩnh thị trường với 88% và Indonesia 9,2%.

Vasep cho rằng, tại phân khúc sản phẩm này, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu để đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa. Trong bối cảnh nhập khẩu từ Thái Lan đang có xu hướng giảm, Việt Nam sẽ có cơ hội tăng thị phần tại Australia, sau khi tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ hộp 55% trong năm 2014.

Mực nang và cá chế biến cũng là 2 sản phẩm được nhập khẩu nhiều vào thị trường Australia, tuy nhiên Việt Nam chưa có thị phần đáng kể (chỉ chiếm 2,4% và 3,5%). Trong khi đó, Trung Quốc và Thái Lan đang chi phối thị trường mực nang đông lạnh với 55% và 13% thị phần. Đối với sản phẩm cá chế biến, Thái Lan và Malaysia chiếm phần lớn với 32% và 29%.

Nói chung, xuất kaaru thủy sản sang thị trường Australia khá thuận lợi vì hầu hết các mặt hàng có thể nhập khẩu mà không cần có giấy phép nhập khẩu. Tuy nhiên, đây là thị trường yêu cầu cao về chất lượng.

Australia áp dụng qui định Lệnh giữ hàng (Holding Order) để xử lý các lô hàng thực phẩm nhập khẩu không đạt yêu cầu về chất lượng hoặc yêu cầu về đóng gói, bao bì, ký mã hiệu. Khi đã bị áp dụng lệnh giữ hàng, các lô hàng tiếp theo sẽ không được phép nhập khẩu vào Australia hoặc phải chịu kiểm tra chặt chẽ trong 5 chuyến sau nếu vi phạm lần đầu và là lỗi nhỏ thuộc về nhãn mác, bao bì.

Những năm vừa qua, phần lớn các lô hàng xuất khẩu của Việt Nam bị áp dụng lệnh giữ hàng thường là do sơ suất trong khâu ký mã hiệu, bao bì, nhãn mác như thiếu tên nhà sản xuất, nhà xuất khẩu, không ghi hạn sử dụng, không ghi xuất xứ hoặc thành phần sản phẩm, và một số trường hợp là vượt định mức các chất cấm trong thực phẩm. Do vậy, muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Australia, doanh nghiệp Việt Nam nên chú ý đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường – Vasep khuyến nghị.

Thanh Nga

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *