Tiền và Hàng 26/03/2018 16:31

Thuỷ sản Việt Nam đang mất dần thị phần tại thị trường Mỹ?

Việt Nam đã giảm bốn bậc từ thứ 3 xuống thứ 7 trong nhóm thị trường cung cấp thủy sản lớn nhất cho thị trường Hoa Kỳ. Nguyên nhân chính là do lượng cá tra và tôm xuất khẩu tới thị trường này giảm.

Báo cáo thị trường nông lâm thuỷ sản của Bộ Công Thương dẫn thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 2/2018 kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 405 triệu USD, giảm 39,5% so với tháng 2/2017. Tính chung 2 tháng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,07 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước.
 
2 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu thủy sản sang các thị trường lớn đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang EU tiếp tục tăng mạnh, đạt 181,3 triệu USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước.
 
Đáng lưu ý, tình hình xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ cũng đã có dấu hiệu cải thiện khi tăng 8,7% trong 2 tháng đầu năm 2018, đạt 164,7 triệu USD.
 
Mới đây, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã đề nghị Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) xem xét lại kết quả sơ bộ vụ kiện chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 - POR12 (từ ngày 1.2.2016 - 31.1.2017).
 
Trước đó, DOC đã thông báo kết quả sơ bộ cụ thể: mức thuế cho Công ty Fimex: 25,39%; mức thuế các công ty khác: 25,39%. Công ty Fimex được chọn là bị đơn bắt buộc duy nhất trong đợt xem xét hành chính lần này, do đó biên độ phá giá tính cho Fimex cũng được áp dụng cho các công ty còn lại.
 
VASEP và các doanh nghiệp Việt Nam cho rằng đã có sự nhầm lẫn đáng kể trong tính toán biên độ. Sau khi xem xét chi tiết, Công ty Fimex phát hiện ra rằng đã có sự nhầm lẫn khi áp các hệ số chuyển đổi từ tôm nguyên con sang tôm bóc vỏ bỏ đầu trong chương trình tính toán biên độ khiến cho kết quả sơ bộ bị sai lệch đáng kể. Nếu hệ số chuyển đổi được áp dụng chính xác, biên độ phá giá của Công ty Fimex sẽ chỉ là 1,19% thay vì mức 25,39% như đã công bố.
 
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê từ Cơ quan thuỷ, hải sản quốc gia Hoa Kỳ (NMFS), nhập khẩu thủy sản vào Hoa Kỳ tháng 1/2018 đạt 265 nghìn tấn, trị giá 1,943 tỷ USD, tăng 1% về lượng và 7,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó có 113 thị trường cung cấp thủy sản cho Hoa Kỳ, đứng đầu về lượng lần lượt là Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Chile, Indonesia, Canada, Việt Nam...
 
Tháng 1/2018, thị phần thủy sản của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Theo số liệu từ NMFS, nhập khẩu thủy sản của Hoa Kỳ từ Việt Nam tháng 1/2018 chỉ đạt 18,1 nghìn tấn, trị giá 116,8 triệu USD, giảm 27,2% về lượng và 3,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, chiếm 6,8% về lượng và 6% về trị giá nhập khẩu thủy sản của Hoa Kỳ.
 
Với kết quả này Việt Nam đã giảm bốn bậc từ thứ 3 xuống thứ 7 trong nhóm thị trường cung cấp thủy sản lớn nhất cho thị trường Hoa Kỳ. Nguyên nhân chính là do lượng cá tra và tôm xuất khẩu tới thị trường này giảm. Trong khi Ấn Độ, Chile, Indonesia là những thị trường vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong tháng 1/2018.
 
Dù vậy, trong cơ cấu mặt hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ tháng 1/2018, mặt hàng tôm và cá hồi là những mặt hàng nhập khẩu có lượng tăng mạnh. Đáng chú ý là tôm tăng cả về lượng và giá cho thấy nhu cầu tiêu dùng tôm ở Hoa Kỳ tăng. Trong khi đó lượng cá thịt trắng như cá rô phi, cá da trơn lại giảm, cua và mực cũng là những mặt hàng thủy sản nhập khẩu giảm.
 
Theo Thống kê của NMFS, tháng 1/2018 Hoa Kỳ đã nhập khẩu 61,593 tấn tôm, trị giá 592,8 triệu USD, tăng 20,5% về lượng và tăng 22% về giá trị so với tháng đầu năm 2017. Tháng 1/2018, Trung Quốc đã vượt Việt Nam trở thành thị trường cung cấp tôm lớn thứ 5 cho Hoa Kỳ. Lượng tôm nhập khẩu từ Việt Nam đạt 4.088 tấn, trị giá 47,7 triệu USD, chỉ tăng 4% về lượng và tăng 14% về trị giá.
 
Phương Dung
 
Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *