Tiền và Hàng 21/03/2014 15:12

Thương hiệu gia truyền: Bối rối vì thật - giả lẫn lộn

FICA - Khá nhiều thương hiệu gia truyền nổi tiếng ở Việt Nam đã được thế giới biết đến nhưng ít ai biết rằng, những thương hiệu đó đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc khẳng định, giữ gìn và bảo vệ tên tuổi của chính mình ngay ở trong nước.

Đâu đâu cũng “gia truyền”, “chính hiệu”

Dạo quanh phố phường Hà Nội, không khó để có thể bắt gặp những tấm biển hiệu, quảng cáo có kèm theo chữ “gia truyền”, “chính hiệu” nhan nhản khắp nơi. Từ những thương hiệu có xuất xứ lâu đời cho đến những tên tuổi mới ra đời không lâu, chỉ sau một thời gian, hàng loạt cửa hàng, cửa hiệu đã được “nhân bản” lên với con số chóng mặt.

Thương hiệu Bún chả Sinh Từ - một trong những quán bún chả ngon nhất nhì Hà Thành là một ví dụ điển hình. Nhiều người dân sinh sống ở con phố này cho biết, khách đến quán ăn rất đông và không chỉ có người Việt Nam mà cả khách nước ngoài cũng ưa thích hương vị bún chả ở đây. Trước đây, cả phố chỉ có một quán duy nhất, sau đó bỗng mọc lên vài quán bún chả Sinh Từ ăn theo cửa hàng đang làm ăn phát đạt này. Khách muốn tìm đến ăn bún chả ai cũng không khỏi bối rối vì không biết quán nào là bún chả Sinh Từ chính hiệu giữa một rừng biển hiệu Sinh Từ gia truyền.

Bối rối không biết đâu là bún chả Sinh Từ “chính hiệu”, “gia truyền” trên phố Nguyễn Khuyến

Trao đổi với PV, bà chủ quán bún chả Sinh Từ số 57A Nguyễn Khuyến cho biết: “Quán bún chả nhà tôi đã mở từ năm 1954, do mẹ tôi làm chủ, sau đó tôi là con gái bà tiếp tục công việc quản lý cửa hàng cho đến bây giờ. Lúc đầu bún chả Sinh Từ chỉ có một cơ sở, do khách hàng đông quá nên gia đình phải mở thêm một cơ sở nữa ở căn nhà thuê bên cạnh. Sau khi hết thời hạn hợp đồng, chúng tôi trả lại nhà và từ đó quán bún chả Sinh Từ “nhái” bắt đầu hoạt động cạnh tranh với cửa hàng nhà tôi trên cơ sở chúng tôi đã thuê mặt bằng”.

Bà chủ quán bún chả này cho biết, từ khi xuất hiện thêm nhiều quán bún chả Sinh Từ trên cùng con phố, khá nhiều khách hàng do không biết đã vào nhầm quán và sau đó phàn nàn về chất lượng của món ăn có sự thay đổi và không được ngon như họ từng ăn. Nhiều khách quen nhận ra bà lại quay lại với quán chứ không ăn ở những quán mở sau nữa.

Theo bà chủ quán số 57A, trước đây phố Nguyễn Khuyến có tên là Sinh Từ nên tên quán bún chả xuất xứ từ tên phố. Sau đó khi đi đăng ký bản quyền thương hiệu thì cái tên này không được chấp nhận do Sinh Từ là tên phố. Chính vì thế nên dù biết nhiều cửa hàng bún chả lấy tên Sinh Từ để cạnh tranh nhưng bà cũng không thể kiện được vì họ không vi phạm bản quyền thương hiệu của mình.

Quốc tế công nhận, Việt Nam “ậm ừ”

Thương hiệu Phở 10 Lý Quốc Sư là một cái tên không thể không nhắc tới khi nói về phở Việt Nam. Bắt nguồn từ một cơ sở kinh doanh chính trên phố cổ Hà Nội – phố Lý Quốc Sư, hiện nay quán phở đã mở thêm 3 chi nhánh ở các phố Hàng Vôi, Hoàng Minh Giám và Tô Hiệu.

Với hương vị đặc biệt và nguyên liệu tươi ngon, Phở 10 Lý Quốc Sư không chỉ là một địa điểm nổi tiếng về món phở ở trong nước mà còn được nhiều khách du lịch nước ngoài biết đến. Nhiều phản hồi, đánh giá của khách hàng về Phở 10 Lý Quốc Sư được đăng tải trên các diễn đàn, các trang web quảng cáo du lịch, ẩm thực Việt Nam với những lời khen ngợi đầy thích thú.

Tuy nhiên, thương hiệu nổi tiếng này mới chỉ có tất cả 4 cơ sở ở Hà Nội nhưng số lượng cửa hàng có biển hiệu Phở 10 Lý Quốc Sư lại nhiều không kể hết. Chỉ cần đi dọc các con phố Trần Cung, Cổ Nhuế, Phạm Văn Đồng có thể thấy hàng chục quán phở đề biển “Phở 10 Lý Quốc Sư” như một cơ sở của thương hiệu gia truyền này.

  

Chị Nghiêm Lan Anh, chủ quán Phở tại số 10 Lý Quốc Sư cho biết: “Có nhiều khách hàng đến ăn phở phản hồi rằng có nhiều cơ sở lấy tên giống nhưng chế biến hương vị khác xa bát phở họ ăn tại Lý Quốc Sư, chúng tôi mới biết có nhiều “Phở 10 Lý Quốc Sư” nhái đến vậy”.

Dù biết việc làm giả thương hiệu này xảy ra ở nhiều nơi trong thời gian dài như vậy nhưng chưa có cách nào để giải quyết, chị Lan Anh cho biết chị đã đi đăng ký bản quyền thương hiệu cho Phở 10 Lý Quốc Sư từ lâu nhưng đến nay mới chỉ được công nhận bản quyền cho cái… logo cửa hàng, còn tên Phở 10 Lý Quốc Sư vẫn chưa được công nhận do thương hiệu lấy tên phố chứ không phải tên riêng của cửa hàng. Đến nay, sau nửa năm chờ đợi, việc cấp chứng nhận bản quyền thương hiệu Phở 10 Lý Quốc Sư vẫn chưa được giải quyết.

Dù rất muốn kiện các cơ sở kinh doanh giả mạo tự ý ghi biển lấy tên thương hiệu mà không xin phép, cũng không bị các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý, nhưng hiện nay chị Lan Anh vẫn chưa có đủ điều kiện pháp lý để thực hiện. Trong thời gian tới, nếu hoàn tất thủ tục về bản quyền thương hiệu, chị sẽ nhờ đến pháp luật để bảo vệ hình ảnh cho thương hiệu của gia đình.

Trong khi thương hiệu gia truyền nổi tiếng này đang chật vật để tìm cách bảo vệ tên tuổi ở trong nước thì năm 2012, Phở 10 Lý Quốc Sư vinh dự được bầu chọn là món ăn xuất sắc trong một cuộc bình chọn quốc tế trên mạng Internet, chị Lan Anh cho biết.

Những thương hiệu gia truyền nổi tiếng cho đến ngày nay đều trải qua thời gian thử thách khốc liệt mới có thể chiếm được lòng tin và sự yêu thích của khách hàng. Do đó, thật không công bằng nếu như buông lỏng quản lý để cho các cơ sở kinh doanh giả mạo mượn tên tùy tiện để phục vụ lợi ích kinh doanh trước mắt và làm xấu đi hình ảnh thương hiệu lâu năm mới xây dựng được.

Trao đổi về vấn đề làm thế nào để bảo vệ thương hiệu gia truyền nổi tiếng ở Việt Nam trước thực trạng hàng giả - hàng thật “lẫn lộn”, Luật sư Khúc Dương Thọ (công ty luật Duong and partners) cho rằng: Xét dưới khía cạnh pháp lý, đối với các thương hiệu gia truyền hiện nay của Việt Nam là không xác định được chủ sở hữu thực sự của các thương hiệu này.

Đối với các thương hiệu lâu đời như “Bún chả Sinh Từ”, tôi cho rằng có thể truy nguyên có thể xác định được người đầu tiên tạo dựng thương hiệu. Nhưng đến hiện tại, thương hiệu này được giao cho người con, người cháu nào quản lý thì không xác định được, ngay cả các công thức chế biến “bún chả” được truyền lại cho ai cũng khó xác định được. Đồng thời, thời điểm hình thành thương hiệu “Bún chả Sinh Từ” thì thì pháp luật chưa ghi nhận việc bảo vệ để xác định đó là thương hiệu của ai và ai có quyền.

Do vậy, trên quan điểm cá nhân, các thương hiệu này không thuộc sở hữu của ai cả. Nên, về mặt pháp lý, không thể xác định người sử dụng thương hiệu gia truyền là làm giả làm nhái. Mà không xác định được ai là chủ sở hữu thương hiệu này thì mình biết xin ai? Người cho mình có phải là chủ sở hữu không? Ngoài ra, hiện tại pháp luật cũng không có quy định giải quyết vấn đề lịch sử này.

Tôi cho rằng, pháp luật cần xác định một cơ quan nhà nước cấp tỉnh là đơn vị hệ thống hóa các thương hiệu này, nếu có thể xác định được chủ sở hữu thì xác định luôn, không xác định được thì đưa ra công khai để người tiêu dùng không bị nhầm lẫn. Trong trường hợp có tranh chấp xảy ra, thì có thể chuyển đến Cục Sở hữu Trí tuệ hoặc tòa án để giải quyết dứt điểm. Nếu thực hiện được như vậy, khoảng 10 năm nữa chúng ta mới có thể phân loại được đâu là “gia truyền” và đâu là “nhái”. Còn không, như hiện tại thì đều là “gia truyền” hết mà không có thương hiệu “nhái” đâu.

Triệu Hồng Hạnh

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *