Tiền và Hàng 10/06/2015 22:02

Thứ trưởng, lãnh đạo tỉnh cùng đi “tiếp thị” vải thiều

FICA – Cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Bộ Công Thương, UBND hai tỉnh Bắc Giang, Hải Dương cùng UBND TPHCM và các doanh nghiệp đã diễn ra sáng nay, trong đó bên mua, bên bán đều đã đưa ra những đánh giá và kiến nghị cụ thể nhằm xúc tiến tiêu thụ vải thiều không chỉ ở thị trường ngoại mà ngay tại thị trường phía nam.

Ảnh: Bộ Công Thương

Nằm trong chuỗi chương trình xúc tiến tiêu thị vải thiều 2015, sáng ngày 10/06/2015, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Bắc Giang, UBND tỉnh Hải Dương và UBND thành phố Hồ Chí Minh đã cùng phối hợp tổ chức Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ vải thiều 2015 tại thành phố Hồ Chí Minh nhằm đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều tại thị trường trong nước, đặc biệt là khu vực Nam bộ và xúc tiến xuất khẩu.

Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2014, tổng diện tích vải thiều của tỉnh Bắc Giang gần 32.000 ha, sản lượng đạt khoảng 190.000 tấn quả tươi. Trong đó diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP là 8.500 ha, sản lượng trên 45.000 tấn.

Tại thị trường nội địa, vải thiều được tiêu thụ khắp cả nước nhưng số lượng lớn là được tiêu thụ tại các tỉnh lân cận phía Bắc, các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Vải thiều cũng được xuất khẩu sang một số quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN như Lào, Campuchia, Thái Lan…

Những năm qua, vải thiều tiêu thụ tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chiếm khoảng 65% tiêu thụ nội địa. Đây là thị trường tiềm năng, quan trọng trong tiêu thụ vải thiều của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương. Tuy nhiên, việc tiêu thụ vải thiều vẫn gặp nhiều khó khăn về giá, về bảo quản sau thu hoạch, về thương hiệu, thiếu sự phối hợp kịp thời giữa vùng trồng vải và các nhà phân phối, các doanh nghiệp…

Vụ vải năm 2015, tỉnh Hải Dương có khoảng 11.000 ha trồng vải, dự kiến sản lượng khoảng 50.000 tấn. Trong đó, sản lượng vải sớm khoảng 10.000 tấn đang bắt đầu cho thu hoạch; còn lại khoảng 40.000 tấn vải thiều sẽ thu hoạch vào khoảng từ ngày 5/6 đến 5/7/2015. Tổng sản lượng vải của Bắc Giang năm 2015 ước đạt 160.000 tấn quả tươi, trong đó vải sớm ước đạt 25.000 tấn.

Năm nay, Bắc Giang mở rộng vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VIETGAP khoảng 12.200 ha, sản lượng dự kiến 80.000 tấn. Bên cạnh đó, Bắc Giang cũng đã triển khai sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP với quy mô gần 100 ha, sản lượng khoảng 1.000 tấn phục vụ xuất khẩu vào các thị trường mới, khó tính.

Theo đại diện của UBND tỉnh Bắc Giang, thị trường nội địa được xác định vẫn là thị trường quan trọng, tiềm năng cần được khai thác, nhất là các tỉnh phía Nam. Bên cạnh đó cũng cần tập trung cho hướng xuất khẩu vào thị trường EU, Hàn Quốc, Nhật Bản... và các thị trường mới như Hoa Kỳ, Úc. Ngay trước Hội nghị lần này, lô vải thiều tươi Lục Ngạn đầu tiên đã được xuất sang thị trường Hoa Kỳ. Đây là thành công bước đầu nhưng sẽ là thử thách lớn cho các vùng trồng vải trong việc duy trì và nâng cao chất lượng vải thiều, nâng cao sản lượng xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng nhưng khó tính này.

Đại diện UBND các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương cũng đã có kiến nghị về việc hỗ trợ công tác thông tin xúc tiến, quảng bá tiêu thụ vải thiều trên các phương tiện truyền thông; phối hợp thu thập thông tin về nhu cầu thị trường, về số lượng hàng bán, về giá cả, thuận lợi, khó khăn trong tiêu thụ; kết nối các doanh nghiệp, các nhà phân phối; hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc, bảo quản, xử lý sau thu hoạch, về quy trình vận chuyển vải thiều…

Tại Hội nghị, đại diện UBND thành phố Hồ Chí Minh, đại diện các đơn vị phân phối, các doanh nghiệp hợp tác cũng đã cùng trao đổi, thảo luận và có nhiều ý kiến thiết thực trong việc nâng cao hiệu quả của công tác tiêu thụ vải thiều. Cụ thể như: Chế biến đa dạng sản phẩm từ vải thiều, tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm, kéo dài thời gian sử dụng hơn so với việc chỉ dùng quả tươi trong mùa chính vụ.

Đồng thời giảm áp lực tiêu thụ trong mùa vụ chỉ kéo dài 2 tháng; cần xem xét lại quy cách đóng thùng vận chuyển vải thiều để tăng thời gian bảo quản và giữ chất lượng vải thiều tươi ngon trong thời gian dài hơn; cần phân phối trực tiếp đến các đầu mối có quy mô phân phối lớn, tránh vận chuyển qua nhiều trung gian gây lãng phí và giảm chất lượng sản phẩm. Việc gắn nhãn bao bì, thương hiệu để chứng minh nguồn gốc và chất lượng sản phẩm cần được xem xét. Phân phối vải thiều thông qua các kênh siêu thị, trung tâm phân phối của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, từ đó mở rộng thị trường sang cả nước ngoài qua kênh của các doanh nghiệp đó; Sớm đẩy nhanh việc đăng ký thương hiệu cho quả vải Việt Nam.

Bích Diệp

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *