Doanh nghiệp 22/03/2014 18:28

Những món nợ khổng lồ của ACB giờ ra sao?

FICA - Theo BVSC, ACB có khả năng đã thu hồi được một phần của khoản hơn 7.000 tỷ đồng dư nợ liên quan tới ông Nguyễn Đức Kiên và sẽ phải chịu tổn thất đối với toàn bộ phần gốc và lãi khoản hơn 700 tỷ liên quan tới Huyền Như.

 Theo báo cáo ngành ngân hàng mới công bố của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) công bố tỷ lệ nợ xấu ở mức 3,03% vào thời điểm cuối năm 2013, cao hơn mức 2,5% ở năm ngoái.

Chi phí trích lập dự phòng cũng tăng mạnh 54% so với năm trước lên 1.085 tỷ đồng. Trong đó trích cho các khoản rủi ro tín dụng chiểm khoảng 44%, phần còn lại là các khoản cho vay quá hạn liên ngân hàng và các tài sản có vấn đề khác.

BVSC  đánh giá, điều này cho thấy ACB đang nỗ lực trong việc minh bạch hoá thông tin với mức trích lập dự phòng tương đối cao.  

Trong năm 2014, ACB phải tăng trích lập dự phòng đối với một số khoản cho vay đáng lưu ý như các khoản cho vay, mua trái phiếu, các tài sản phải thu, các khoản lãi phải thu liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên là 7.128 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho các khoản trên ước khoảng 7.122 tỷ đồng. Trong đó 20,5% là cổ phiếu niêm yết, còn lại chủ yếu là cổ phiếu chưa niêm yết. ACB cho biết khoản cho vay này đang được xếp ở nhóm 2.

Hiện tại vẫn chưa có thông tin về số nợ mà ACB đã thu hồi được trong năm 2013. Tuy nhiên, nhìn vào nợ nhóm 2 của ACB năm 2013 đã giảm khoảng 2.454 tỷ đồng so với 2012, BVSC cho rằng, ACB có thể đã thu hồi được một phần các khoản nợ này.

Ngoài ra, BVSC cho rằng chất lượng nợ của các khoản cho vay này hầu như đã giảm vì bên vay không trả được lãi đúng hạn. Do đó những khoản vay này sẽ được đưa vào nhóm có rủi ro cao hơn. ACB nhiều khả năng sẽ phải trích lập 100% đối với các khoản lãi dự thu và khoảng 30% đối với các khoản nợ gốc trong năm 2014.  

Về khoản dư nợ cho vay Vinalines trị giá 854 tỷ đồng và lãi dự thu 136 tỷ đồng, Chính phủ đã chỉ đạo các ngân hàng thực hiện cơ cấu các khoản cho Vinalines vay và ACB đã phân loại nợ ở nhóm 2. Thông thường, các khoản vay của Vinalines có tài sản bảo đảm là các con tàu. Gía trị tài sản đảm bảo sẽ biến động cùng với triển vọng của ngành tàu biển và thời gian sử dụng của các con tàu.

Ngoài ra, nếu đến thời gian trả lãi, ACB không nhận được thanh toán từ Vinalines thì ngân hàng sẽ phải tăng dự phòng đối với các khoản phải thu quá hạn.

BVSC cho rằng ACB sẽ phải trích lập 100% đối với các khoản lãi dự thu và trích lập dự phòng trên phần dư nợ gốc từ 30% đến 100% tùy vào thời gian quá hạn của các khoản vay này, theo quy định của Thông tư 228/2009/TT-BTC.

Còn đối với khoản ủy thác đầu tư thông qua một số nhân viên gửi tại CTG là 719 tỷ đồng và lãi dự thu 37 tỷ đồng có liên quan đến vụ án của Huyền Như, hiện tại, khoản cho vay này đã quá hạn và ACB vẫn chưa nhận được khoản lãi dự thu. Nhiều khả năng ACB chưa trích dự phòng cho khoản tiền gửi này trong năm 2013.

Dựa vào tình hình xét xử vụ án Huyền Như, BVSC cho rằng ACB sẽ phải chịu tổn thất đối với toàn bộ phần gốc và lãi này.

Ngoài ra ngân hàng còn phải trích lập dự phòng đối với khoản tiền gửi quá hạn trị giá 772 tỷ đồng tại một ngân hàng khác. Đã được 6 tháng kể từ thời điểm ACB công bố số dư của tài sản có vấn đề này. Như vậy, mức trích lập dự phòng năm nay sẽ tăng lên do thời gian quá hạn tăng.

Phương Dung

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *