Tiền và Hàng 20/12/2014 08:19

Thị trường Tết Ất Mùi 2015: Bánh kẹo Việt nhiều nhưng vẫn lép vế

Thị trường bánh kẹo phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 bắt đầu khởi động. Bánh kẹo Việt Nam nhiều hơn hẳn về số lượng, chủng loại, diện tích trưng bày nhưng lại kém nổi bật so với sản phẩm nhập khẩu.

 
Ảnh minh họa: Internet

Ít sản phẩm mới

Khảo sát của phóng viên ANTĐ tại một số siêu thị lớn như: Big C, Fivimart, Co.opmart cho thấy, bánh kẹo Tết đã “lên quầy”, trong đó chủ yếu là những sản phẩm quen thuộc. Nổi bật là sắc vàng của bánh trứng Custard, sắc đỏ của Chocopie hay sắc xanh của Oreo… Ở dòng sản phẩm kẹo, vẫn là những cái tên đã được người tiêu dùng biết đến như kẹo Chew, Caramen của Hải Hà, kẹo dẻo của Bibica. 

Thị trường bánh kẹo Tết Ất Mùi cũng chưa thấy sự “khuấy động” của Kinh Đô bởi doanh nghiệp này đã bán gần hết cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài ở mảng bánh kẹo. Năm nay, ngoài các sản phẩm vẫn cung ứng ra thị trường như: kẹo cốm, bánh Belgi, bánh gạo Cúc Cu, Công ty cổ phần bánh kẹo Tràng An chỉ có một sản phẩm kẹo mới là kẹo dừa Bon Bon do nhà máy mới mở của doanh nghiệp này tại Bến Tre sản xuất. Ông Trịnh Sỹ - Tổng giám đốc công ty cho biết: “Tràng An vẫn đưa ra thị trường Tết Ất Mùi 2015 2.500 tấn bánh kẹo, tương đương với Tết năm ngoái. Giá cả cũng ổn định, không tăng, nhưng tôi thấy sức mua vẫn rất kém”.

Trái ngược với thông tin cho rằng bánh kẹo ngoại đang chiếm ưu thế trong dịp Tết này, các sản phẩm nhập khẩu khá ít về chủng loại và diện tích trưng bày, giá bán lại khá cao. Ví dụ, Raspberry&Almond của Malaysia giá 179.500 đồng/hộp; Lambertz của Đức giá 288.000 đồng/hộp; Lu Veritable’ của Pháp giá gần 300.000 đồng/hộp. Ngoài ra còn có nhiều loại kẹo dẻo, bánh cho các lứa tuổi nhưng chủ yếu dành cho trẻ em. 

Đại diện siêu thị Big C cho biết, bánh kẹo Việt Nam có chủng loại phong phú từ hàng phổ thông đến các loại cao cấp; mẫu mã đa dạng, hợp thị hiếu người tiêu dùng. Chính vì vậy, giống như các năm trước, bánh kẹo Việt Nam vẫn được Big C quan tâm, chiếm phần lớn diện tích trưng bày trên quầy. 

Mẫu mã không bắt mắt

Theo ông Trịnh Sỹ, bánh kẹo Việt Nam vẫn áp đảo về số lượng tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, sản phẩm nội không thể sánh với hàng nhập ngoại về sự nổi bật. “Bánh kẹo Việt Nam chỉ hơn bánh kẹo ngoại ở sự lòe loẹt, chứ không hề nổi bật. Đẳng cấp bao bì, thiết kế của họ hơn hẳn mình” - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bánh kẹo Tràng An thẳng thắn nói. 

Cùng quan điểm, đại diện một doanh nghiệp bánh kẹo khác cho rằng, một số doanh nghiệp bánh kẹo trong nước đã thuê thiết kế bao bì mới nên mẫu mã sản phẩm đã khá hơn. Tuy nhiên, “vẫn không thể so sánh về sự sang trọng với bánh kẹo ngoại vì để có mẫu mã đẹp, không chỉ cần thiết kế, mà còn phụ thuộc vào trình độ in, mực in, chất liệu giấy in… Những yếu tố này Việt Nam vẫn rất kém” - đại diện doanh nghiệp bánh kẹo phân tích.

Về hương vị của bánh kẹo nội so với hàng nhập khẩu, ông Trịnh Sỹ cho hay: “Nhiều nước trên thế giới, người tiêu dùng có xu hướng sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên nhiều hơn, ít ngọt, ít đường, hạn chế chất béo… Nhưng ở Việt Nam không thể làm vậy, vì nhu cầu dinh dưỡng của người dân Việt Nam vẫn rất cao, đặc biệt ở các vùng nông thôn - chiếm tỷ lệ khá lớn. Nếu sản xuất riêng các sản phẩm dành riêng cho người tiểu đường hay cao huyết áp… thì lượng khách hàng không đáng là bao, giá cả lại cao”.

Trên thực tế, một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam đang hướng đến các sản phẩm bánh kẹo chuyên biệt, phù hợp với thể trạng từng người. Nhưng số lượng khách hàng này rất ít và thường tập trung ở một số thành phố lớn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng thành phố cũng có xu hướng đặt bánh kẹo truyền thống như: kẹo lạc, kẹo vừng… chất lượng cao, được làm thủ công bởi một số hộ gia đình. Nhưng ở nông thôn, nhu cầu bánh kẹo ngọt giá bình dân của các doanh nghiệp trong nước vẫn rất mạnh. 
 
Theo Vân Hằng
ANTĐ
Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *