Tiền và Hàng 30/03/2018 00:45

Thép Việt Nam thắng kiện bán phá giá ở Úc

Trên cơ sở sử dụng dữ liệu của các công ty tại Việt Nam để tính toán biên độ phá giá dây thép dạng cuốn và ra kết quả là biên độ phá giá âm (-1,3%). Do đó, ADC đã quyết định chấm dứt điều tra đối với Việt Nam.

Ngày 26/3/2018, Cơ quan điều tra Úc (ADC) đã ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc điều tra chống bán phá giá dây thép dạng cuộn nhập khẩu từ Việt Nam, Indonesia, và Hàn Quốc.
 
Trong vụ việc này, bên cạnh việc xác định có tồn tại hiện tượng bán phá giá và việc bán phá giá này có gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước hay không, ADC đã tiến hành điều tra vấn đề “tình trạng thị trường đặc biệt” (tương tự nền kinh tế phi thị trường) đối với ngành thép dây dạng cuộn của Việt Nam.
 
Trong kết luận cuối cùng, ADC cho rằng không tồn tại “tình trạng thị trường đặc biệt” đối với ngành thép dây dạng cuộn của Việt Nam. Trên cơ sở đó, ADC sử dụng dữ liệu của các công ty tại Việt Nam để tính toán biên độ phá giá và ra kết quả là biên độ phá giá âm (-1,3%). Do đó, ADC đã quyết định chấm dứt điều tra đối với Việt Nam.
 
Việc ADC kết luận không tồn tại tình trạng “thị trường đặc biệt” là một thành công của Việt Nam, cho thấy sự hợp tác chặt chẽ và phản ứng nhanh nhạy của Chính phủ, doanh nghiệp trong công tác xử lý vụ việc. Kết quả này có ý nghĩa quan trọng, có tác động tích cực, tạo tiền lệ tốt cho các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại trong tương lai đối với hàng Việt Nam tại Úc.
 
Trước đó, ngày 7/6/2017, Ủy ban chống bán phá giá Úc (ADC) đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá sản phẩm dây thép dạng cuộn (rod in coil) từ Indonesia, Hàn Quốc và Việt Nam.
 
Biên độ bán phá giá theo cáo buộc của nguyên đơn đối với sản phẩm bị điều tra từ Việt Nam 30,6%; từ Indonesia là: 30,6%; từ Hàn Quốc là: 43,3%.
 
Dung lượng thị trường của Úc theo nguyên đơn là khoảng 600.000 tấn/2016. Đối với Việt Nam, nguyên đơn cáo buộc là có tồn tại “tình huống thị trường đặc biệt” (đối với mức thuế của 2 nguyên liệu đầu vào chính) nên không sử dụng giá bán tại Việt Nam để tính toán trị giá thông thường mà sử dụng chi phí của một công ty sản xuất sản phẩm tương tự để xây dựng chi phí.
 
Trước đó sản phẩm này đã bị Úc điều tra chống bán phá giá với Indonesia, Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ bị áp thuế (2015) nhưng sau đó khi rà soát (2016), Indonesia đã được dỡ bỏ lệnh thuế (do không gây thiệt hại cho ngành sản xuất Úc). Sau đó, Úc cũng tiến hành điều tra với Trung Quốc và ra lệnh áp thuế (tháng 4/2016).
 
Phương Dung
 
Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *