Tiền và Hàng 04/03/2015 23:17

Thêm một năm lạc quan cho ngành bán lẻ ô tô

FICA - Cổ phiếu ngành bán lẻ ô tô đã có các phiên giao dịch khá ấn tượng. Chỉ số ngành này đã tăng hơn 26% kể từ đầu tháng 2/2015, nổi bật như TMT (+63%), HHS (+14%), SVC (+15%).

Tại bản tin Nhật ký tư vấn ngày 4/3, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho biết, cổ phiếu ngành bán lẻ ô tô đã có các phiên giao dịch khá ấn tượng (chỉ số ngành này đã tăng hơn 26%  kể từ đầu tháng 2/2015, nổi bật như TMT (+63%), HHS (+14%), SVC (+15%)).

Chuyên viên ngành dịch vụ tiêu dùng của VDSC cho biết trong Báo cáo thị trường chứng khoán 2015 sắp được công bố, ngành bán lẻ ô tô được dự báo sẽ tiếp tục có thêm một năm lạc quan sau những “thu hoạch” rất ấn tượng trong năm 2014, với số lượng xe bán năm 2014 tăng 43% so với cùng kỳ.

Năm 2015, cùng với sự tăng trưởng trở lại của ngành bán lẻ hàng hóa dịch vụ nói chung (chỉ số bán lẻ hàng hóa Việt Nam tăng 11,9% trong tháng 1/2015), ngành bán lẻ ô tô được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt nhờ một số yếu tố như: sự hồi phục của ngành ô tô và nhân tố chính sách lẫn kinh tế vĩ mô tác động đến ngành.

Trước hết, mảng bán lẻ ô tô đang được hưởng lợi từ đà hồi phục ấn tượng của ngành ô tô. Trong giai đoạn 2013-2014, ngành này đã ghi nhận mức tăng trưởng hai con số (20% trong năm 2013 và 40% năm 2014, theo số liệu của VAMA).

Bên cạnh đó, ngành ô tô năm 2015 cũng được hưởng lợi từ yếu tố vĩ mô và chính sách như:

1. Lãi suất ổn định ở mức thấp (7-9% với khoản vay ngắn và trung hạn) kích thích nhu cầu vay tiêu dùng;

2. Chính sách siết chặt tải trọng xe vận tải (TT 06/VBHN-BGTVT) khiến số lượng xe đầu tư thêm được đẩy lên;

3. Cơ sở hạ tầng được quan tâm hơn thông qua nâng chính sách đầu tư công (huy động 30-35% GDP cho đầu tư phát triển) trong khi những dự báo tích cực về ngành dịch vụ kho vận trong các năm tới khiến các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư mở rộng hơn.

4. Sự cải thiện trong chỉ số niềm tin tiêu dùng, với mức 142,3 điểm trong tháng 2/2015.

Thị trường ô tô của Việt Nam được phân loại ra hai dòng sản phẩm chính: sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm lắp ráp trong nước. Cả hai mảng này sẽ được hưởng lợi từ một số nhân tố khá tương đồng với ngành ô tô như nêu trên. Đồng thời, điểm nhấn tạo nên sự khác biệt giữa hai dòng sản phẩm này chính là yếu tố thuế suất nhập khẩu và chênh lệch giá bán. Nhu cầu sản phẩm nhập khẩu có thể sẽ gia tăng theo lộ trình giảm thuế của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) (giảm về mức 50% từ năm 2014 và về mốc 0% vào năm 2018). Trong khi đó, sản phẩm nội địa lại tạo ra được sức hút với người tiêu dùng nhờ vào mức giá thấp hơn sản phẩm nhập khẩu.

VDSC cũng lưu ý rằng, mức hưởng lợi theo ngành cũng như các tác động bởi chính sách đến các doanh nghiệp sản xuất – phân phối ô tô niêm yết trên sàn là khác nhau.

Diễn biến chỉ số index ngành bán lẻ ô tô

 

Chỉ số PE và PB một số doanh nghiệp trong ngành (04/03/2015)

 

Mai Chi

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *