Tiền và Hàng 22/01/2015 07:50

Thành lập 4 đoàn thanh tra giá cước vận tải

Đó là tuyên bố của ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TPHCM (HHVT) khi đề cập tình trạng nhiều doanh nghiệp viện nhiều lý do để găm giữ giá cước, dù giá xăng dầu đã giảm rất sâu. Chiều 21/1, Bộ Tài chính và GTVT liên tiếp chỉ đạo các địa phương giám sát, buộc doanh nghiệp giảm giá cước.

 
Theo khảo sát của Tiền Phong, vẫn còn hơn 60% doanh nghiệp vận tải không giảm cước. Ảnh: Hồng Vĩnh.Theo khảo sát của Tiền Phong, vẫn còn hơn 60% doanh nghiệp vận tải không giảm cước. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 21/1, ông Chung cho biết các doanh nghiệp vận tải thuộc HHVT đã giảm giá cước với mức 10-15% so với tháng 7/2014.

Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 70 đơn vị chưa giảm giá vé. Lãnh đạo một số DN trên cho rằng, trước kia, đường sá tốt nhưng hiện nay quốc lộ 14, quốc lộ 1 nhiều đoạn đang thi công, đào bới, đầy ổ gà. Xe về bến thường trễ 5-7 tiếng. Thời gian xe mắc kẹt trên đường tiêu tốn nhiên liệu rất nhiều. Đơn cử như tuyến TPHCM - Buôn Mê Thuột, cả đi lẫn về là 675 km, ngắn hơn 5 km so với đi Hà Tiên nhưng mức tiêu hao nhiên liệu lên tới 36,5 lít xăng dầu, cao hơn 10 lít so với đi Hà Tiên. Ngoài ra, trạm phí trên QL 1, QL 14 bố trí khá dày đặc, trong khi đường về các tỉnh ĐBSCL trạm thu phí rất thưa.

Đại diện Hiệp hội Vận tải hành khách TPHCM cho rằng, thị trường vận tải cạnh tranh rất gay gắt, không giảm giá là bất đắc dĩ. DN không chỉ cạnh tranh trong bến mà còn với xe dù. Một tuyến đường có nhiều DN khai thác, không phải do một đơn vị độc quyền.

Theo ông Thái Văn Chung, áp lực cạnh tranh buộc DN phải giảm giá, không thể khác được. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào thỏa thuận giữa DN và khách hàng cho từng lô hàng, từng thời điểm và đó là những trường hợp cá biệt, không phổ biến.

Ông Chung thừa nhận giá cước vận tải do thị trường điều chỉnh, cơ quan chức năng chỉ khuyến cáo chứ không thể can thiệp trực tiếp. Và, việc kê khai giá chỉ mang tính hình thức chứ không có ý nghĩa trên thực tế.

“Đợt thanh, kiểm tra vừa rồi chỉ dừng lại ở vận tải hành khách và taxi chứ vận tải hàng hóa làm sao điều chỉnh được? Kê khai hôm nay giá này, ngày mai giá xăng dầu tăng, giảm tiếp thì rõ ràng các DN và khách hàng lại áp dụng giá cước mới. DN vận tải hàng hóa có những lượng khách hàng truyền thống, việc tăng giảm giá cước phù hợp với thỏa thuận. Riêng những loại hình như xe tải nhỏ chở hàng hóa hằng ngày như vật tư, sắt thép, vật liệu xây dựng… giá cước điều chỉnh theo từng chuyến một, đều ấn định trên cơ sở thỏa thuận, làm sao kê khai được” - ông Chung cho biết.

Cần “bêu” tên doanh nghiệp để tẩy chay

Chiều 21/1, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu vừa có văn bản đề nghị Bộ GTVT và UBND các địa phương yêu cầu doanh nghiệp vận tải tính toán lại giá thành khẩn trương giảm cước theo xu hướng giảm giá xăng dầu. Trong văn bản này, Bộ Tài chính cho biết,  thực tế vẫn còn một số đơn vị kinh doanh vận tải ô tô chưa thực hiện kê khai giảm cước theo xu hướng giảm giá xăng dầu theo công văn ngày 23/12/2014.

Qua kiểm tra, nắm tình hình tại một số địa phương cho thấy vẫn còn đơn vị chưa thực hiện kê khai giảm giá. Đối với đơn vị không thực hiện kê khai giá theo quy định thì phải xử phạt, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trao đổi với PV Tiền Phong về kế hoạch thực hiện chủ trương kiểm soát giá cước vận tải của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, Tổng cục trưởng Đường bộ Nguyễn Văn Huyện cho hay, ông vừa ký quyết định thành lập 4 đoàn thanh tra về vận tải. Nhiệm vụ của 4 đoàn thanh tra này là kiểm soát vấn đề an toàn giao thông và cả giá cước vận tải dịp Tết.

Theo ông Huyện, hiện nay giá cước vận tải đang vận hành theo cơ chế thị trường, biện pháp cơ bản nhất là kiểm tra xem các doanh nghiệp có kê khai đầy đủ các chi phí hình thành nên giá cước hay không. Khi giá xăng dầu giảm đương nhiên giá thành cước vận tải kê khai phải giảm. Nếu doanh nghiệp nào không giảm tức là kê khai sai, nộp thuế không đủ và cần kiểm tra để xử lý.

Biện pháp thứ hai theo ông Huyện là nêu đích danh các doanh nghiệp không giảm giá cước để khách hàng tẩy chay. “Trong bối cảnh hiện nay cần nghĩ đến việc áp dụng biện pháp tẩy chay như đã áp dụng với Vedan” - ông Huyện nói. Ông Huyện cho biết, sẽ chỉ đạo 4 đoàn thanh tra của Tổng cục thống kê các doanh nghiệp chây ì không chịu giảm giá để công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Tuy nhiên, thông tin doanh nghiệp nào vẫn giữ giá bất chấp giá xăng dầu lao dốc đang rất tù mù. Theo Thông tư liên tịch về kê khai giá cước do Bộ Tài chính và Bộ GTVT ban hành hồi tháng 10/2014, một trong 3 cơ quan được nhận kê khai giá gồm Sở Tài chính, Sở GTVT hoặc UBND cấp huyện. Chính vì điều này làm thông tin về giá cước bị phân tán. Ngay cả các đoàn Thanh tra của Bộ Tài chính và Bộ GTVT hiện nay cũng chưa cung cấp các thông tin này. Vào cuối tháng 12, Bộ trưởng GTVT đã ra chỉ thị, đề nghị các địa phương báo cáo giá cước; trong đó, hạn báo cáo lần đầu là ngày 4/1/2015. Tuy nhiên, đến nay, Vụ Vận tải (Bộ GTVT), cơ quan thường trực việc thực hiện chỉ thị này vẫn chưa công bố thông tin tổng hợp nào.

Giá xăng giảm 1.900 đồng/lít

Chiều 21/1, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đồng loạt điều chỉnh giảm 1.900 đồng với mặt hàng xăng. Với mức giảm này, xăng A95 có giá mới 16.270 đồng/lít; xăng A92 và xăng sinh học E5 A92 cùng có giá 15.670 đồng/lít. Giá dầu diezel loại 0,05S giảm 1.460 đồng, xuống còn 15.170 đồng/lít. Mức giảm 1.500 đồng của dầu hỏa cũng khiến giá mặt hàng này xuống còn 15.610 đồng/lít. Dầu madút loại 3,0S giảm 1.080 đồng xuống còn 12.220 đồng/kg. Liên Bộ Tài chính-Công Thương cũng yêu cầu doanh nghiệp tăng trích quỹ bình ổn giá xăng dầu thêm 300 đồng/lít, kg lên mức 800 đồng/lít, kg.

Theo Huy Thịnh - Tuấn Đức - Sỹ Lực

Tiền Phong

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *