Tiền và Hàng 20/04/2015 16:08

Thái Lan chuyển hướng gạo cấp thấp: Gạo Việt Nam khó tìm đầu ra

FICA - Trong khoảng 2 năm trở lại đây, Thái Lan bắt đầu gia tăng, chiếm lĩnh thị phần gạo thấp cấp. Chính vì vậy, Việt Nam trong thời gian năm 2014 và quý I/2015 gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm gạo.

Chia sẻ tại Chương trình Tiêu điểm Công Thương với chủ đề: “Diễn biến và các nhiệm vụ trọng tâm đẩy mạnh tiêu thụ xuất khẩu nông thủy sản”, ông Phan Xuân Quế, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty lương thực Miền Bắc cho biết, trong những năm vừa qua, do điều kiện thời tiết ổn định, thuận lợi cho nên các mặt hàng nông sản nói chung trong đó có lúa gạo đều được mùa.

Trước đây, Việt Nam chỉ có đối thủ cạnh tranh là các nước xuất khẩu như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ, Mỹ, thì trong thời gian gần đây Myanma và Campuchia đã trở thành những nước đối thủ cạnh tranh trực tiếp với gạo của Việt Nam và cũng đã từng bước chiếm lĩnh thị trường. Đồng thời, các nước nhập khẩu sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, 2009 thì cũng tập trung gia tăng sản xuất trong nước để đảm bảo an ninh lương thực, tránh phụ thuộc vào các nước xuất khẩu, dẫn đến cung - cầu hiện nay của thị trường là do người mua quyết định.

"Trước năm 2010, môi trường kinh doanh lương thực rất thuận lợi, gần như chúng ta có thể quyết định được thị trường, bán cho ai, bán giá nào nhưng hiện nay, người mua hoàn toàn chủ động chi phối thị trường và họ có những chính sách để nhập khẩu với các điều kiện thuận lợi nhất, giá cả hấp dẫn nhất, gia tăng các nguồn cung", ông Quế nói.

Theo ông Quế, các nước xuất khẩu cạnh tranh quyết liệt, đặc biệt Thái Lan và Ấn Độ với lượng tồn kho lớn như Thái Lan trên 16 triệu tấn, Ấn Độ trên 23 triệu tấn. Hiện nay áp lực giải phóng tồn kho, chính sách giảm giá để dành thị phần được đẩy mạnh. Trước đây, Thái Lan chủ yếu tập trung xuất khẩu các sản phẩm gạo cao cấp, thị phần gạo thấp cấp gần như không quan tâm. Tuy nhiên, trong khoảng 2 năm trở lại đây, Thái Lan bắt đầu gia tăng, chiếm lĩnh thị phần gạo thấp cấp. Chính vì vậy, Việt Nam trong thời gian năm 2014 và quý I/2015 gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm gạo.

Ông Phan Xuân Quế, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty lương thực Miền Bắc

Ông Quế cũng cho rằng, ngoài những yếu tố khách quan thì có thể nhìn thẳng vào thực tiễn cũng có những nguyên nhân thuộc về chủ quan đó là sự yếu kém của chuỗi liên kết các thành phần tham gia từ sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ và xuất khẩu. Khâu tổ chức sản xuất cũng chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, trong khi khâu chế biến các mặt hàng chưa được phong phú, đa dạng, phù hợp với thị hiếu của một số nước có nhu cầu chất lượng cao và khâu tiêu thụ với nguồn lực còn hạn chế của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Về giải pháp phát triển ngành gạo, ông Quế cho rằng, để ngành gạo phát triển ổn định và bền vững không chỉ một mình doanh nghiệp xuất khẩu gạo làm hết được mà cần cả một hệ thống, bởi nó liên quan đến chuỗi giá trị tham gia sản xuất ngành hàng, từ khâu sản xuất chế biến, khâu tiêu thụ.

"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo liên quan đến công tác kinh tế tập thể và phát triển các hợp tác xã. Đây cũng là điều kiện giúp DN tham gia trong chuỗi giá trị này, xây dựng mô hình liên kết phát triển vùng nguyên liệu tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác canh tác, cơ giới hóa trong sản xuất chế biến và đưa ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường, đặc biệt là các thị trường khó tính như EU, các thị trường Trung Đông", ông Quế nói.

Ngoài ra, theo ông Quế, các doanh nghiệp cũng phải chủ động, tích cực làm tốt công tác quản trị,tìm kiếm, khai thác các thị trường mới, phải có chiến lược dài hạn và ngắn hạn. Đây là một trong những yếu tố quyết định thành công của doanh nghiệp và đây cũng là cơ sở để giúp cho doanh nghiệp có điều kiện tiêu thụ hết hàng hóa cho bà con nông dân một cách có hiệu quả.

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *