Thời sự 03/01/2014 11:07

Vốn lưu động “hút” khách dịp cuối năm

“Có nhiều khoản vay đã xong thủ tục từ tháng 11, nhưng đến tháng 12, khách hàng và ngân hàng mới chốt được ngày giải ngân nên tín dụng tăng đột biến” – Phó tổng giám đốc một NHTMCP tại Hà Nội cho biết và phân tích thêm, tháng cuối năm hàng hóa cho xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh tăng đột biến nên nhu cầu về vốn cũng phải tăng theo.

Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 16/12/2013, tăng trưởng tín dụng (TTTD) của hệ thống đạt 8,83%, nhưng đến 30/12 đã đạt gần 12%. Tuy nhiên, nhìn vào con số trên nhiều người sẽ đặt câu hỏi, tại sao tín dụng tăng “phi mã” vào những ngày cuối năm.

 

Phân tích của một chuyên gia trong ngành Ngân hàng cho thấy, thường thì TTTD tháng cuối năm bao giờ cũng khá mạnh nên số liệu có thể thay đổi từng ngày, từng giờ. Do đó, không có gì ngạc nhiên về con số TTTD đạt mục tiêu. “Có nhiều khoản vay đã xong thủ tục từ tháng 11, nhưng đến tháng 12, khách hàng và ngân hàng mới chốt được ngày giải ngân nên tín dụng tăng đột biến” – Phó tổng giám đốc một NHTMCP tại Hà Nội cho biết và phân tích thêm, tháng cuối năm hàng hóa cho xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh tăng đột biến nên nhu cầu về vốn cũng phải tăng theo.

 


Cuối năm, sản xuất kinh doanh tăng nên nhu cầu vốn tăng theo.

 

Ngoài ra, với nhiều DN đang ấp ủ mục tiêu phát triển kinh doanh thì họ muốn chờ Chính phủ đưa ra thông điệp về các chính sách và định hướng năm 2014 (thường là đầu tháng 12). Khi đó, DN mới thực hiện những kỳ vọng bằng kế hoạch tài chính. Song có một thực tế được ngân hàng và DN xác nhận là thông thường cuối năm vốn lưu động cho DN bao giờ cũng tăng mạnh bởi trước đó, các NHTM cũng chuẩn bị trước nguồn vốn tín dụng và tung ra các gói tiếp thị vốn cho dịp cuối năm bằng các gói tín dụng ưu đãi.

 

Chẳng hạn, như: ABBank dành gói tín dụng 1.500 tỷ đồng cho DN vay với lãi suất chỉ 7,9%/năm, gói 70 triệu USD cho vay lãi suất 3,2%/năm. HDBank cũng cung cấp gói tín dụng 1.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 8 - 8,5%/năm, bổ sung vốn lưu động phục vụ các dự án sản xuất kinh doanh hàng xuất nhập khẩu và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. MB cũng đang triển khai gói tín dụng siêu ưu đãi 700 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh nhân mùa lễ hội cuối năm, lãi suất thấp nhất là 7%/năm và áp dụng với các khoản vay thực hiện trước ngày 31/1/2014, với thời hạn cho vay tối đa trong 4 tháng…

 

Ở góc độ DN cần vốn lưu động vào cuối năm để sản xuất đồ uống dịp Tết Nguyên đán, ông Vũ Văn Tiến – Giám đốc Công ty bia Hà Nội – Kim Bài cho biết, với tình hình tài chính lành mạnh, nhiều NHTM đã mời DN với lãi suất từ 6 – 9%/năm. “DN đang có hợp đồng tín dụng vay với lãi suất chỉ 7%/năm với hạn mức tới vài chục tỷ đồng”, vị giám đốc Công ty bia khẳng định.

 

Cán bộ làm công tác thẩm định của MB cho biết, cuối năm Âm lịch hồ sơ ùn ùn đến, mà ai cũng “thúc” phải thẩm định nhanh, vì DN đang rất cần vốn ngắn hạn để kịp quay vòng. Lĩnh vực ngành nghề xin vay nhiều nhất là kinh doanh sản phẩm may mặc, các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết như rượu bia, nước giải khát, bánh kẹo, lương thực thực phẩm...

 

“Các DN vay vốn lưu động theo vòng quay của sản phẩm từ 3-4 tháng. Nhưng ngân hàng cũng có thể cho vay theo hạn mức 1 năm và ngân hàng sẽ giải ngân theo nhu cầu của DN nhưng không được vượt quá hạn mức. Để phòng ngừa rủi ro, sau 1 năm ngân hàng sẽ tiến hành định giá lại tài sản thế chấp xem có đủ để giữ nguyên mức cho vay lại không. Nếu tài sản thế chấp (thường là BĐS, hàng tồn kho) xuống giá, ngân hàng sẽ đề nghị DN bổ sung tài sản bảo đảm” – vị cán bộ làm công tác thẩm định trên chia sẻ.

 

Ví dụ, đầu năm 2013, một ngôi nhà được định giá 4 tỷ đồng thì có thể đảm bảo cho khách hàng vay hạn mức 3 tỷ đồng. Nhưng thời điểm này tài sản trên chỉ còn 3 tỷ đồng. Do vậy, nếu DN muốn giữ nguyên hạn mức vốn lưu động trên hoặc vay thêm thì phải bổ sung tài sản thế chấp.

 

Theo các chuyên gia ngân hàng, bên cạnh việc dựa trên tài sản thế chấp, các ngân hàng cần dựa thêm vào chất lượng báo cáo tài chính của DN trong vài năm gần nhất. Với những DN có nợ quá hạn mà phía Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) cung cấp thì các ngân hàng nên “nói không” để giảm thiểu rủi ro.

 

Theo Chí Kiên
TBNH

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *