Tiền và Hàng 20/11/2015 08:30

Siêu thị Việt “chật” hàng ngoại, hàng nội đi đâu về đâu?

Dù chưa phải là thời điểm Việt Nam mở cửa hoàn toàn đối với hàng hoá nước ngoài theo khuôn khổ các hiệp định tự do hóa toàn cầu và khu vực nhưng ngay lúc này hàng ngoại đã đổ bộ và hiện diện ở mọi nơi. Đặc biệt, tại các siêu thị lớn, hàng ngoại đang chiếm áp đảo.

Mặc dù TPP chưa được ký kết chính thức, AEC chưa thiết lập đầy đủ và các FTA giữa Việt Nam và các đối tác lớn còn từ 5  - 10 năm nữa mới mở cửa hoàn toàn, nhưng lúc này tại các siêu thị, hàng ngoại đang chiếm áp đảo trên các kệ, lấn át hoàn toàn hàng nội.

Khảo sát của PV Dân Trí tại một số siêu thị lớn, nhỏ tại Hà Nội cho thấy, số lượng hàng ngoại rất phong phú và đa dạng. "Gi gỉ gì gi cái gì cũng có" từ những đồ công nghệ cao đắt tiền cho đến những thứ nhỏ lẻ như cái tăm, que kem, kẹo bánh, đồ đóng hộp... Thậm chí cả hoa quả tươi như vải, nhãn, chôm chôm...vốn là những đặc sản của Việt Nam cũng đang bị hàng ngoại chèn ép.

Theo một số chủ cửa hàng, sở dĩ hàng ngoại chiếm lĩnh ngày càng nhiều là bởi hàng ngoại dễ bán hơn vì có hình thức bắt mắt, mẫu mã đa dạng, nhiều khung giá và đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng Việt.

 

Tại gian hàng kem lạnh của một siêu thị trên đường Phạm Văn Đồng (Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), các sản phẩm kem Thái Lan, New Zealand hay Hàn Quốc chiếm đến 90% diện tích trưng bày của 4 ngăn lạnh. Dù các sản phẩm kem ngoại này có giá khá cao, song được rất đông người tiêu dùng lựa chọn. Xu hướng sính ngoại đang diễn ra ngay cả ở những mặt hàng tiêu dùng bình dân nhất.

Không chỉ ở các siêu thị lớn, có yếu tố ngoại, hàng ngoại cũng chen chân tại vào cả các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hoá, thậm chí có mặt tại các sạp ở chợ.

Theo giải thích của một nhà cung ứng, chính chi phí quảng cáo cao, hiệu quả bán hàng thấp, sản phẩm kém đa dạng, hình thức không phong phú và bắt mắt khiến các sản phẩm Việt tại kênh bán lẻ khó cạnh tranh, không hấp dẫn người tiêu dùng. Sản phẩm trưng bày nhiều song doanh thu thấp, tiêu thụ kém, khiến hàng Việt bị “bật bãi” trước nhiều đối thủ ngoại.

Các chuyên gia lo ngại, nếu không chấn chỉnh ngay từ bây giờ thì khi các hiệp định tự do song phương và đa phương khác…có hiệu lực, hàng ngoại sẽ càng lấn sâu vào thị trường nội địa, hàng nội sẽ khó trụ vững trên chính sân nhà mình.

Hiện theo thống kê của Bộ Công Thương, thị phần bán lẻ hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại…) dù mới chỉ chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ của Việt Nam, nhưng tại các đô thị lớn, doanh thu từ bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 75% doanh thu bán lẻ của thị trường.

“Tiêu dùng siêu thị không chỉ là thói quen hiện tại mà còn là xu hướng trong tương lai. Sự hiện diện tại đây không chỉ có bán mà còn có giá trị marketing, tiếp thị vô cùng tốt với người tiêu dùng. Hàng tiêu dùng ngoại có giá cả từ hợp lý đến khá cao, nhưng chất lượng cũng tương tự so với hàng Việt Nam. Cái họ hơn chúng ta là bao bì đẹp với thông tin rõ ràng, nhiều kích cỡ nhằm cạnh tranh ở nhiều phân khúc giá”, bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương phân tích.

 

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng Việt Nam, ngay cả các DN lớn chứ chưa nói đến các hợp tác xã, làng nghề truyền thống… đang phải chịu áp lực cạnh tranh về thị trường, giá và quảng cáo rất lớn từ nước ngoài. DN ngoại chỉ cần quảng cáo nhiều ở truyền hình, áp phích, báo điện tử hay mạng xã hội cũng có thể giết chết các sản phẩm tiêu dùng được sản xuất trong nước.

Bà Lan phân tích thêm, các DN sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm ngoại từ Thái, Hàn Quốc hay Nhật Bản thường đi theo đoàn, hội để “đánh” thị trường nước tiếp cận. Họ tập hợp các DN lớn nhất, sản phẩm mạnh nhất để lên kế hoạch "bóp chết" sản phẩm cùng loại. Nếu là DN độc lập thì họ cũng là DN rất lớn, đa ngành, đa sản phẩm. Khi đưa hàng hóa sang Việt Nam, họ sẽ đưa ồ ạt, thực hiện các chiến dịch quảng cáo, PR và hiện diện rầm rộ… khiến DN Việt choáng váng còn người tiêu dùng Việt thích thú với những sản phẩm mới và mạnh tay chi tiền.

Hình ảnh hàng ngoại nhập chen chật siêu thị được PV Dân Trí ghi nhận tại một số siêu thị lớn tại Hà Nội:

Kem ngoại có xuất xứ từ New Zealand
 

Vải, nhãn và chôm chôm đóng hộp của Thái Lan

Vải, nhãn và chôm chôm đóng hộp của Thái Lan

Thịt hộp ngoại thiết kế đẹp, bắt mắt người mua
Thịt hộp ngoại thiết kế đẹp, bắt mắt người mua

Sản phẩm kẹo của Singapore

Sản phẩm kẹo của Singapore


Kem ngoại phổ biến tại các siêu thị

Kem ngoại phổ biến tại các siêu thị

Kẹo Hàn quốc xuất hiện khá nhiều
Kẹo Hàn quốc xuất hiện khá nhiều

Hoa quả ngoại chiếm ưu thế tại nhiều siêu thị

Hoa quả ngoại chiếm ưu thế tại nhiều siêu thị


Sữa tươi ngoại cạnh tranh trực tiếp với sữa tươi nội

Sữa tươi ngoại cạnh tranh trực tiếp với sữa tươi nội


Một loại bánh Việt đóng bao cực kỳ đơn giản

Một loại bánh Việt đóng bao cực kỳ đơn giản

Thực phẩm ngoại bắt mắt và đa dạng
Thực phẩm ngoại bắt mắt và đa dạng

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *