Tiền và Hàng 04/05/2014 10:52

Siêu thị "bắt chẹt" doanh nghiệp thủy sản nội địa

FICA - Sau nhiều năm thị trường nội địa bị bỏ ngỏ, đến nay, nhiều DN thủy sản Việt Nam đã bước đầu chú ý tăng tỷ trọng hàng nội địa trong cơ cấu kinh doanh. Tuy nhiên, việc thâm nhập này không dễ dàng ngay từ khi hàng thủy sản muốn “bước chân” vào các siêu thị.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (Vasep) cho biết, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản trong Câu lạc bộ doanh nghiệp cung cấp hàng thủy sản cho thị trường nội địa (CLB hàng nội địa Vasep) phản ánh, cho đến nay, nhiều siêu thị lớn, nhất là các siêu thị lớn nước ngoài tại Việt Nam như: Metro, Big C… đang gửi thỏa thuận thương mại mới đến các doanh nghiệp là các nhà cung cấp.

Trong đó, các siêu thị này đưa ra nhiều mức chiết khấu khác nhau, trong đó mức tăng ít nhất là từ 2-3%/năm, nhiều là từ 5-15%/năm so với năm trước. Đây cũng đang là vướng mắc và sức ép cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam khi muốn đưa hàng vào thị trường nội địa.

Trong khi đó, một số siêu thị như Big C đề nghị, giảm mức doanh số để đạt được tỷ lệ chiết khấu, nếu năm 2013, doanh số bán hàng bậc 1 đạt 10 tỷ đồng thì sang năm 2014, siêu thị này đề nghị doanh số bán đạt 8,5 tỷ đồng sẽ được hưởng tỷ lệ chiết khấu là 1,5%. Tương tự, nếu doanh số bán hàng đạt 9,5 tỷ USD được siêu thị sẽ được hưởng mức chiết khấu 2% so với mức doanh số cũ là 11 tỷ đồng.

Ngoài ra, các siêu thị còn đưa ra nhiều yêu sách đối với nhà cung cấp, đồng thời đề nghị tăng mức chi phí hỗ trợ các hoạt động thường xuyên như: hỗ trợ cho lễ hội khách hàng/1 cửa hàng tăng từ 6,2 triệu đồng (năm 2013) lên 7 triệu đồng (năm 2014); hỗ trợ sinh nhật/1 cửa hàng từ 2,5 triệu (2013) lên 3 triệu (năm 2014), hỗ trợ khai trương siêu thị mới cũng tăng từ 0,5% (năm 2013) lên 1% (năm 2014).

Vasep cho biết, ngoài việc ép nhà cung cấp phải chấp nhận nhiều chi phí “vào cửa”, hàng năm, các khoản chi phí cũ này đều tăng. Năm 2014, chi phí tháng cho việc tham gia chương trình khuyến mãi hay catalogue đã tăng lên 5% so với mức cũ là 3,65% trong năm ngoái, chi phí cho thương lượng chung cũng tăng từ 2% lên 3%, chi phí hàng tháng cho vận chuyển cũng tăng từ 3% lên 6%.

Các nhà cung cấp bức xúc hơn khi phải chịu các khoản chi phí phi không hợp lý mà lẽ ra chính các siêu thị phải chịu như: Chi phí tập hợp đơn hàng, chi phí tháng cho chương trình thẻ khách hàng thân thiết, chi phí tháng tập trung đơn hàng và thanh toán với mức 1%.

Theo các doanh nghiệp, đưa sản phẩm vào các siêu thị, nhất là các siêu thị nước ngoài tại Việt Nam là một cuộc cạnh tranh khốc liệt không kém gì hàng thủy sản xuất khẩu trên thị trường quốc tế. Bởi vì mỗi siêu thị chỉ chấp nhận “bắt tay” với một số thương hiệu, nhãn hàng, “trăm siêu thị, vạn nhà cung cấp” khiến cho các siêu thị lớn “chảnh”.

Dù thấy rõ các chi phí vô lý, mức chiết khấu cao và gia tăng hàng năm, dù biết những khoản này sẽ “ăn” vào giá thành sản phẩm, giảm lợi nhuận khiến cả người tiêu dùng và nhà cung cấp phải “gánh”, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn buộc phải chấp thuận. Nếu không, họ buộc phải rút lui khỏi các kệ hàng hoặc chuyển sang làm gia công cho các nhãn hàng riêng của nhà bán lẻ hoặc siêu thị. Như vậy, trong “cuộc chiến” này dường như không có chỗ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Vasep cho biết, chính trong thời buổi khó khăn về vốn như hiện nay thì các siêu thị lại tìm đủ mọi lý do để kéo dài hoặc trì hoãn thời gian thanh toán tiền hàng, từ 35-40 lên tới 60 ngày so với năm trước. Trong khi đó, năm ngoái, siêu thị đã đòi tăng thời hạn thanh toán lên 35 ngày, công nợ bị dồn hơn 1 tháng, doanh nghiệp buộc phải chấp thuận thì phải có quỹ tài chính lớn mới duy trì được, chưa kể các khoản chi phí khác. Đây là chiêu mà từ trước tới nay các siêu thị dùng để chiếm dụng vốn của các nhà cung cấp.

Theo các doanh nghiệp, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay khi mà tiêu thụ chậm do người mua hàng thắt chặt chi tiêu, giá bán không thể tăng quá nhiều, chi phí đầu vào tăng, hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn… thì những khoản chi phí và các điều khoản áp buộc của các siêu thị đang tạo thêm áp lực cho các doanh nghiệp. Các thương lượng tạm thời mà các doanh nghiệp đang cố gắng “chạy theo” siêu thị là cố gắng thương thảo để các chi phí không tăng quá cao, giữ mức chiết khấu hiện tại.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp không đủ lực để “chen chân” thì đành phải có phương cách khác là tự mở rộng kênh phân phối, tăng các điểm bán để tăng doanh số. Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp tạm thời trong khi việc tăng của các siêu thị lại không được kiểm soát và họ được toàn quyền quyết định.

Phương Dung

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *