Tiền và Hàng 23/12/2013 21:18

Sẽ không chỉ là 30 nghìn tấn đường nhập

Từ lâu, các DN ngành Mía đường vốn chỉ quen dựa vào sự bảo hộ của Nhà nước mà không chịu khắc phục những yếu kém khiến người trồng mía và cả ngành giảm sức cạnh tranh. Song khi nói đến chuyện nâng cao sức cạnh tranh cần phải bàn tính nhiều.



Bộ Công Thương đã chính thức "bật đèn xanh" cho CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) được nhập khẩu đường mà DN này sản xuất tại Lào về nước. Khi bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) mới đây đã khẳng định, việc nhập khẩu đường của HAGL về để tinh chế tại CTCP Đường Biên Hoà, sau đó xuất qua cửa khẩu phụ sang Trung Quốc không ảnh hưởng đến tiêu thụ mía đường cho nông dân và cân đối cung cầu mặt hàng đường trong nước.

Theo Bộ này, hiện chỉ duy nhất CTCP Đường Biên Hoà có nhà máy chế biến đường tinh luyện từ đường thô, trong khi việc nhập khẩu này được thực hiện theo hình thức tạm nhập tái xuất (xuất khẩu qua cửa khẩu phụ Bản Vược, Lào Cai sang Trung Quốc), được các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ nên sẽ đảm bảo toàn bộ số đường thô được nhập để tinh luyện không thẩm lậu vào nội địa. Được biết, đây là đề xuất của Bộ Công Thương, đang gửi đến các bộ, ngành liên quan để lấy ý kiến và chờ sự phê duyệt cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ.

Bày tỏ sự quan ngại, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho rằng, việc kiểm soát hoạt động tạm nhập tái xuất hiện đang khá gian nan, khi có nhiều mặt hàng tạm nhập về nhưng không được tái xuất mà đưa vào tiêu thụ nội địa. "Mặc dù với ngành đường, tình trạng trên chưa xảy ra, nhưng chúng tôi tin chắc rằng cũng sẽ có hình thức gian lận, không phải trực tiếp từ HAGL hay Đường Biên Hoà, mà có thể là những người tham gia quá trình tạm nhập tái xuất sẽ gian dối", ông Long nói.

Quan ngại của ông Long còn đến từ việc, HAGL đề nghị tái xuất đường qua cửa khẩu phụ Bản Vược, hiện đang là "cửa ra" của đường tồn kho trong nước. Điều này được cho là cũng sẽ gây khó khăn cho các DN nội địa, càng đẩy họ vào cảnh tồn kho ứ đọng.

Sở dĩ các DN trong VSSA lo sợ đường của HAGL có thể gây khó khăn cho họ là bởi, giá thành sản xuất đường của Việt Nam hiện đang cao hơn các nước trong khu vực và cao hơn đường của HAGL được sản xuất từ Lào. Với những điều kiện thuận lợi về sản xuất, được cơ giới hoá và năng suất sản xuất cao hơn nên chi phí sản xuất cho 1 tấn đường từ mía của HAGL chỉ vào khoảng 3 triệu đồng, trong khi ở Việt Nam là gần 10 triệu đồng.

Bài học nhãn tiền là đường của Thái Lan đang được xuất lậu qua An Giang, gây nhiều khó khăn cho đường trong nước tại thị trường phía Nam.

Theo các chuyên gia, với chi phí sản xuất quá cao và kém tính cạnh tranh, nếu như ngành đường không được hỗ trợ thì chắc chắn các DN đã sớm bị loại ra khỏi cuộc chơi. Cũng bởi, những bất cập trong hoạt động sản xuất khi vùng nguyên liệu manh mún, chi phí vật tư nông nghiệp cao, không được cơ giới hoá, thả nổi công tác thu mua mía, cộng thêm khâu phân phối qua nhiều tầng nấc trung gian… đã khiến cho giá thành và giá bán đường của DN Việt Nam trở nên kém tính cạnh tranh trên thị trường.

Thực tế cho thấy, không phải đợi đến khi đường của HAGL xin được nhập vào Việt Nam, ngành mía đường mới "ngồi trên đống lửa". Đã từ lâu, các DN ngành này vốn chỉ quen dựa vào sự bảo hộ của Nhà nước mà không chịu khắc phục những yếu kém khiến người trồng mía và cả ngành giảm sức cạnh tranh. Ông Long thừa nhận, những yếu kém của ngành mía đường. Song khi nói đến chuyện nâng cao sức cạnh tranh của DN, đại diện VSSA lại cho rằng, đó là câu chuyện dài hơi của Chính phủ và cần phải bàn tính nhiều.

"Chắc chắn phải có chính sách cho nhà máy đường và ngành mía đường, nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân và giảm chi phí giá thành. Đây là vấn đề lớn, liên quan đến cả nền nông nghiệp, nông thôn, nông dân, trong hoàn cảnh nền kinh tế và nông nghiệp Việt Nam có chi phí sản xuất cao, sức cạnh tranh hàng hoá nông sản thấp", ông Long nói.

Ông Trần Công Thắng, chuyên gia Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), người từng nhiều năm theo dõi ngành mía đường lại cho rằng, cần nhìn vấn đề này trong một câu chuyện dài hơn của ngành mía đường. Khi năng lực cạnh tranh của DN đang ngày càng yếu kém và về lâu dài, ngành mía đường Việt Nam chắc chắn phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn hơn, chứ không phải chỉ 30.000 tấn từ HAGL.

Do đó, đề xuất tạm nhập tái xuất đường của HAGL chính là lời cảnh báo cho ngành mía đường Việt Nam trước những thách thức phải đối mặt trong tương lai.

"Theo cam kết sẽ phải giảm thuế, việc cạnh tranh cũng sẽ khốc liệt hơn khi hội nhập vào các sân chơi như FTA, TPP, chắc chắn giá đường sẽ phải giảm và ngành mía đường cùng các DN phải tính đến chuyện tái cấu trúc lại, xem xét một bài toán tổng thể giữa lợi ích của người trồng mía, DN, người tiêu dùng, tập trung vào những mô hình có lợi thế. Đây là điều đã được cảnh báo từ năm 2005 nhưng vẫn chưa được giải quyết, trong khi sức cạnh tranh của DN ngày càng yếu", ông Thắng khuyến nghị.

Theo Hà Sơn

Thời báo Ngân hàng

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *