Tiền và Hàng 05/03/2015 16:37

Sau Tết- đã đến lúc tăng giá điện?

Theo những phát ngôn của cơ quan chủ quản thì giá điện rất có thể sẽ tăng trong tháng 3 này. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, mức tăng 9,5% như đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là quá cao.

Rình rập tăng

Lần tăng giá điện gần đây nhất là vào tháng 8-2013. Như vậy, đã 18 tháng giá điện vẫn “án binh bất động” dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nhiều lần đề xuất tăng giá điện. “Sốt ruột” với khoản lỗ còn treo đến gần 17.000 tỷ đồng, đến cuối năm 2014, EVN tiếp tục “đệ trình” phương án điều chỉnh giá điện với mức tăng tương đối lớn là 9,5%. Tại thời điểm buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương tháng 1 (diễn ra vào đầu tháng 2), Thứ trưởng Bộ Công Thương đồng thời là người phát ngôn của bộ này, ông Đỗ Thắng Hải cho hay, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chưa tăng giá điện trước tết Nguyên đán. Sau Tết, EVN đề xuất Bộ Công Thương sẽ căn cứ vào tình hình thực tiễn để xem xét.

Đúng hẹn, trong  buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 vừa diễn ra, ông Đỗ Thắng Hải một lần nữa nhắc lại vấn đề trên: “Trước Tết, mặc dù đã đầy đủ điều kiện điều chỉnh giá điện, nhưng xét đến việc có thể ảnh hưởng tâm lý của người dân và DN, Thủ tướng đã chỉ đạo trước Tết không tăng giá điện. Sau Tết, Bộ Công thương, theo đề xuất của EVN, tùy theo thẩm quyền, nếu là 7- dưới 10% thì sẽ xem xét quyết định và sau đó báo cáo Thủ tướng trong tháng 3”.

Cũng trong buổi họp này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cũng cho biết, theo Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, trường hợp các thông số đầu vào cơ bản biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân cơ sở cập nhật tại thời điểm tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành (sau khi đã sử dụng Quỹ bình ổn giá điện) với mức từ 7 - dưới 10% và trong khung giá quy định, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận. “Các phương án đề nghị điều chỉnh giá điện của EVN lần này nằm trong phạm vi từ 7 - dưới 10% và trong khung giá quy định, do đó, thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Công Thương”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định. Hiện Bộ Công Thương đang tiến hành kiểm tra, thẩm định phương án giá điện năm 2015 do EVN đề xuất, báo cáo Thủ tướng trong tháng 3.

Như vậy, với những thông điệp này, việc điều chỉnh giá điện chỉ là chuyện “một sớm một chiều” và xem ra mức tăng 9,5% vẫn sẽ là phương án được bộ, ngành liên quan ủng hộ nhiều nhất.

Tăng 9,5% có hợp lý?

Theo Quyết định 69, với các mốc biến động nếu tăng 7% thì EVN có quyền quyết định, nếu tăng 7- dưới 10%, Bộ Công Thương quyết định và nếu trên 10%, Thủ tướng sẽ phê duyệt. Khi trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) nhìn nhận, EVN dùng cơ chế này để Bộ Công Thương có quyền quyết định (với đề xuất tăng 9,5% - PV), còn nếu tăng trên 10% thì sẽ có cơ quan độc lập cùng vào cuộc. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là liệu tăng tăng 9,5% có hợp lý hay không?

Trên thực tế, nhiều ngày qua, đại diện của Bộ Công Thương mỗi lần lên tiếng đều gia sức “bênh” đứa “con cưng” của mình như “tăng giá điện Chính phủ, DN và người dân đều hưởng lợi”, “không tăng giá điện, EVN sẽ phá sản”. Phân tích những lý lẽ của Bộ Công Thương một vị chuyên gia nhìn nhận: “Theo khẩu khí của người phát ngôn có thể thấy bộ chủ quản đang đứng về phía DN. Một cách trớ trêu nhất, giá điện tăng có lợi cho người tiêu dùng hoàn toàn sai quan điểm. Giá tăng trong kinh tế thị trường chỉ có lợi cho DN mà hoàn toàn bất lợi cho người tiêu dùng”.

Hơn nữa, trong Quyết định 69 của Thủ tướng nêu rõ, căn cứ yếu tố giá đầu vào để xem xét việc tăng hay giảm. Tuy nhiên, trong năm qua, thủy văn tương đối ổn định, kinh tế vĩ mô cũng ổn định nên việc EVN và cơ quan chủ quản nói chi phí đầu vào tăng cao để lý giải cho việc tăng giá điện chưa thuyết phục người tiêu dùng. Chưa kể đến, lý do tăng giá cũng là để EVN lo trả món nợ gần 17.000 tỷ đồng còn treo từ những năm trước với nguyên nhân lỗ từ quản trị, từ nội tại bộ máy cồng kềnh, năng suất lao động thấp…

Theo ông Long, mức tăng mà EVN đề xuất quá cao, là biên độ tương đối lớn từ trước đến nay. Những mặt hàng độc quyền như điện cần phải có cơ quan định giá độc lập kiểm soát. Các nước trên thế giới đều thực hiện như vậy nhưng ở Việt Nam thì chưa có. “Ở Việt Nam, việc kiểm soát do cơ quan quản lý xem xét, nhưng cơ quan quản lý hay đứng về phía DN (do bộ quản lý) nên những lý lẽ của lãnh đạo cơ quan quản lý đưa ra phần lớn biện hộ cho DN. Tôi có cảm giác, bộ chủ quản chỉ đứng về phía DN chứ chưa phải là người “cầm cân nảy mực” giữa DN và người tiêu dùng”, ông Long nói. Vậy nên, còn độc quyền trong ngành điện, cơ quan chức năng không thể hiện đúng vai trò kiểm soát tốt thì gây thiệt cho người tiêu dùng, tổn hại cho nền kinh tế, trước mắt sẽ khiến CPI tăng lên, khả năng cạnh tranh của DN hạn chế. Bởi lẽ, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu giá điện năm nay tăng 9,5% thì sẽ làm tăng giá thành sản xuất lên 0,55%, làm giảm tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình là 0,58% và làm giảm tốc độ tăng GDP là 0,45%.

Theo Phan Thu

Báo Hải quan

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *