Tiền và Hàng 17/02/2014 07:52

Rau xanh làm người trồng điêu đứng

Thời tiết nồm khiến cho rau, củ, quả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ liên tục rớt giá. Những ngày giữa tháng 2 mặc dù thời tiết ở miền Bắc trở lạnh, nhưng giá rau xanh vẫn khiến người nông dân lao đao. Nhiều nơi, người dân chấp nhận để rau xanh cho gia súc ăn, không muốn thu hoạch, vì đem ra chợ bán, tiền thu về không đủ tiền công vận chuyển.




Rau xanh rớt giá

Những ngày cận và sau tết, trong lúc một số mặt hàng nhích lên do nhu cầu tăng nhưng rau, củ, quả từ cánh đồng đến chợ đều duy trì ở mức hạ. Nhiều người dân cố thu hoạch chuyển ra chợ bán kiếm được đồng nào hay đồng ấy để có cái tết no đủ. Tuy nhiên trong thời gian gần một tháng, giá rau liên tục rớt khiến người trồng nản lòng. Ở hầu hết các khu vực trồng rau xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội: xã Duyên Hà (Thanh Trì), Thanh Đa, Vân Phúc (Phúc Thọ), Vân Côn (Hoài Đức), Thanh Xuân (Sóc Sơn), Lĩnh Nam (Hoàng Mai), Vân Nội (Đông Anh), Văn Giang (Gia Lâm) - các vùng trồng rau, củ, quả - đều cho thu hoạch với số lượng lớn, chất lượng tương đối tốt.

Tuy nhiên giá rau xanh liên tục hạ làm không ít người nông dân điêu đứng. Tại chợ đầu mối rau Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội) không khí kinh doanh từ sau tết đến nay diễn ra trầm lắng. Theo bà Nguyễn Thị Hợp (Vân Nội, Đông Anh): “Chưa năm nào giá rau lại rẻ như vậy, trước tết do nhu cầu của người dân ăn tết nên nhiều chủ ruộng cố thu hoạch để bán, nhưng giá rau ở mức thấp. Các loại rau sống, rau cải chíp, bắp cải, su hào bán tại chợ chỉ vài nghìn một cân thì tại vườn người trồng rau mà bán còn rẻ hơn bèo”.

Những tưởng sau tết thời tiết rét đậm, rét hại thì giá rau xanh sẽ tăng, giúp người nông dân thu vốn, nhưng từ sau Tết Nguyên đán đến trước rằm tháng giêng, giá rau xanh tiếp tục hạ. Giá bắp cải chỉ còn 3.000đ/kg, su hào: 2.000đ/củ, cải chíp 5.000 – 7.000đ/kg, cải cúc: 5.000đ/3 mớ, rau cần: 3.000 – 4.000đ/mớ, rau muống: 6.000đ/mớ. Chị Trần Thị Lan – tiểu thương kinh doanh tại chợ đầu mối phía Nam (Hà Nội) - cho biết: “Giá rau ở trên là đến tay người tiêu dùng (NTD), còn tại chợ đầu mối, giá rau, củ, quả còn hạ hơn nhiều. Cả cái bắp cải chỉ có 2.000 – 4.000 đồng, rau cải xoong: 2.000 - 3.000đ/mớ. Nhiều người nông dân đi bán rau trừ tiền gửi xe, tiền xăng vận chuyển, phí vào chợ... chẳng thu lại là bao”.

Không chỉ có ở Hà Nội, các tỉnh như Quảng Ngãi, Pleiku, Bắc Giang, Mê Linh... cũng trong tình trạng tương tự. Giá rau, củ, quả rẻ khiến người nông dân lao đao.

Lại điệp khúc “được mùa rớt giá”

Bắt đầu từ ngày rằm tháng giêng, tại một số chợ Hà Nội như: Chợ Hôm, Mai Động, Long Biên, Ngã Tư Sở, chợ Mơ... giá rau xanh một số loại bắt đầu nhích lên như: Cải mâm xôi: 12.000đ/kg (tăng 2.000đ/kg), bắp cải: 4.000đ/kg, cải cúc: 3.000đ/mớ (tăng 1.000đ/mớ), khoai tây: 15.000đ/kg (tăng 2.000đ/kg), cà chua: 7.000 – 9.000đ/kg (tăng 2.000đ/kg)...

Anh Nguyễn Văn Thắng (xã Văn Đức, Gia Lâm) đang cong lưng thu hoạch, chất bắp cải lên xe để chuẩn bị chuyển ra chợ bán, anh Thắng tâm sự: “Hơn 20 cây bắp cải chỉ bán được hơn 150.000 – 200.000 đồng. Nếu thuê nhân công thì không đủ tiền trả. Nhiều gia đình tính chi phí vận chuyển, nhân công và lệ phí (nếu bán tại chợ) không đủ tiền bán rau. Trước đây giá rau chưa rẻ, người nông dân đưa rau ra chợ đã phải chịu qua khâu trung gian.

Người kinh doanh tại chợ lãi nhiều chứ người trồng rau là khổ nhất”. Lý giải về tình trạng giá rau bắt đầu nhích lên, chị Đặng Thị Hà (chợ Mơ) cho rằng: “Do người trồng rau thấy giá rẻ không muốn chở ra chợ bán, vì nếu vận chuyển ra chợ thì chi phí cao, nhân công không có... Vì vậy nhiều chủ rau không bán, cho gia súc ăn hoặc để lại vườn. Thời tiết lạnh nên rau phát triển chậm lại. Lượng cung theo đó giảm, giá rau xanh cũng nhích dần lên. Tuy nhiên so với cùng thời điểm năm trước thì rau xanh hiện nay giá vẫn rất thấp”.

Lượng cung thừa dẫn tới giá rau xanh giảm. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, người nông dân bỏ ruộng không trồng rau hoặc không thu hoạch rau thì lượng rau cung ứng cho thị trường giảm, giá lại bị đẩy lên. Khổ nhất vẫn là người nông dân được mùa rớt giá, mất mùa giá cao. Nghịch lý này đang đẩy người nông dân vào con đường chưa tìm ra lối thoát.

Theo Lao động

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *