Tiền và Hàng 06/07/2018 17:24

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng Ban Chỉ đạo tái cơ cấu nông nghiệp

Thủ tướng vừa ký Quyết định số 810/QĐ-TTg giao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Ban Chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp thực hiện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020.

Theo Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 17/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng là Trưởng Ban chỉ đạo Tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành hỗ trợ thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Ban Chỉ đạo sẽ có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan có liên quan trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trên toàn quốc.

Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp đưa 6 ngành cần phải cải thiện, trong đó có trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp, sản xuất muối và phát triển công nghiệp chế biến...

Ba ngành được xem là xương sống của ngành nông nghiệp Việt Nam là trồng trọt, chăn nuôi và đánh bắt,  nuôi trồng, chế biến thuỷ sản.

Trong đó, tái cơ cấu trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền.

Với ngành chăn nuôi, phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại; hình thành các vùng chăn nuôi xa thành phố, khu dân cư; khuyến khích áp dụng công nghệ cao. 

Với ngành thủy sản, tập trung sản xuất thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, rô phi, nhuyễn thể); tiếp tục đa dạng hóa đối tượng và phương pháp nuôi để khai thác cơ hội thị trường; khuyến khích nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt (GAP) phù hợp quy chuẩn quốc tế.

An Linh

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *