Tiền và Hàng 30/04/2014 15:12

Petrolimex: Kinh doanh xăng dầu quý I phát sinh lỗ

FICA - Theo lãnh đạo Petrolimex, do thực chất lợi nhuận định mức chưa bù đắp đủ phần chi phí kinh doanh thực tế nên kinh doanh xăng dầu quý 1/2014 phát sinh lỗ.

Báo cáo tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Công thương, ông Trần Văn Thịnh, Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, trong quý 1/2014 thì sản lượng xuất bán nội địa của Tập đoàn giảm mạnh, chỉ bằng 93% so với cùng kỳ và đạt 24% kế hoạch dẫn đến chi phí của các phương thức bán hàng tăng so với cùng kỳ.

Ước sản lượng xuất bán 4 tháng đầu năm của Petrolimex chỉ đạt 94% so với cùng kỳ và đạt 33% kế hoạch; trong đó, chỉ có phương thức bán lẻ bằng 103%, các phương thức khác đều giảm, nhất là phương thức bán qua tổng đại lý và đại lý chỉ bằng 80% cùng kỳ. Nguyên nhân của việc sụt giảm này là do tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của cả nước giảm.

Theo số liệu thống kê, tổng nhu cầu cả nước giảm khoảng 5,2% so với cùng kỳ, trong khi sản lượng tiêu thụ của Tập đoàn giảm 7% (giảm vượt 1,8% so với tốc độ giảm nhu cầu của cả nước). Nguyên nhân là do tình hình kinh tế trong nước phục hồi chậm, thời tiết không thuận lợi, thời gian nghỉ Tết kéo dài làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị hạn chế, nhu cầu đi lại của người dân giảm sút.

Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa thực sự đi vào hoạt động dẫn đến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cả nước giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng xuất bán của Tập đoàn. Không những thế, nhiều nguồn hàng giá rẻ, không rõ nguồn gốc còn xâm nhập nhiều vào thị trường, địa bàn của các công ty ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Tập đoàn.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Văn Thịnh cho biết, mặc dù sản lượng xuất bán theo phương thức bán lẻ của Tập đoàn bằng 103% so với cùng kỳ, nhưng hiện nay có nhiều đầu mối khác giảm giá bán lẻ so với giá niêm yết của một số công ty tùy từng khu vực. Ngoài ra, với việc tăng thêm các doanh nghiệp đầu mối tham gia thị trường nên tính chất cạnh tranh ngày càng khốc liệt và đang tiếp tục định hình lại thị phần của các doanh nghiệp đầu mối.

Hiện nay cả nước có 19 doanh nghiệp đầu mối, tuy nhiên chủ yếu sản lượng tiêu thụ của các đầu mối tập trung ở đầu nguồn, trong khi đó Petrolimex vẫn phải chịu trách nhiệm đảm bảo nguồn cung cho các vùng sâu xa, có chi phí cao mà giá bán chưa đủ bù đắp, vì vậy thị phần của Petrolimex tại đầu nguồn chỉ khoảng 30% - 35%.

Thêm vào đó, lợi nhuận định mức cấu thành trong giá cơ sở hiện đang thấp hơn nhiều so với quy định, nhất là đối với mặt hàng xăng và dầu hỏa; trong khi chi phí cho phương thức bán lẻ chiếm tỷ trọng cao nhất trong các phương thức và mặt hàng xăng chủ yếu là cho bán lẻ. Hơn nữa, thực chất lợi nhuận định mức chưa bù đắp đủ phần chi phí kinh doanh thực tế nên kinh doanh xăng dầu quý 1/2014 phát sinh lỗ.

Theo ông Trần Văn Thịnh, mặc dù, bắt đầu từ ngày 28/3/2013, chi phí kinh doanh định mức đã được điều chỉnh từ 600 đồng/lít lên 860 đồng/lít nhưng chi phí này được hình thành từ năm 2010, trong khi chi phí kinh doanh hàng năm đều gia tăng theo biến động giá cả đầu vào. Như năm 2013, chi phí bình quân của Tập đoàn là 945 đồng/lít, trong đó bán lẻ 1.280 đồng/lít. Các khoản chi phí hao hụt khâu nhập và chi phí tài chính chưa được kết cấu vào giá cơ sở để hình thành giá bán lẻ xăng dầu.

Ngoài ra, hiện nay, chi phí kinh doanh định mức được tính chung, bình quân cho cả hai loại mặt hàng xăng, dầu nhưng, trên thực tế chi phí của hai loại mặt hàng này là khác nhau và có mức chênh lệch khá lớn. Chi phí bán lẻ của Tập đoàn năm 2013 là 1.280 đồng/lít; trong đó, mặt hàng xăng khoảng 1.344 đồng/lít (chưa bao gồm chi phí phát tăng thêm khi kinh doanh xăng E5), mặt hàng điêzen, dầu hỏa khoảng 1.194 đồng/lít (chênh lệch tới 150 đồng/lít).

Bên cạnh đó, nhiều năm qua, được Bộ Công Thương đã phân bổ, giao nhiệm vụ bảo quản hàng dự trữ quốc gia (DTQG) cho Tập đoàn với định mức 14.893 đồng/m3/tháng. Tuy nhiên, do định mức không đủ bù đắp các chi phí thực tế phát sinh, dẫn đến kết quả hoạt động bảo quản hàng DTQG trong những năm gần đây của Tập đoàn bị lỗ rất lớn, như năm 2010 lỗ 16,5 tỷ đồng, 2011 lỗ 28,4 tỷ đồng; 2012 lỗ 49,4 tỷ đồng và 2013 lỗ 51,5 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Thịnh kiến nghị, hàng năm, chậm nhất vào ngày 15 của tháng đầu năm kế hoạch, Liên Bộ Tài chính, Công Thương công bố chi phí kinh doanh định mức áp dụng cho cả năm kế hoạch trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng (CPI), biến động tỷ giá cả năm… trừ trường hợp đột biến.

Tập đoàn cũng báo cáo và kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ liên quan xem xét điều chỉnh định mức chi phí bảo quản hàng DTQG cho phù hợp với thực tế, để tối thiểu bù đắp đủ chi phí phát sinh của Tập đoàn; Cho phép doanh nghiệp được quyền chủ động sử dụng quỹ BOG; Cho phép thương nhân đầu mối được vận hành đầy đủ cả chiều tăng và chiều giảm điều khoản về giá bán xăng dầu theo quy định tại Nghị định 84 có sự quản lý của Nhà nước.

Khi Liên Bộ áp dụng biện pháp bình ổn giá thì công bố thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc bình ổn giá để doanh nghiệp được phép điều hành kinh doanh bình thường. Công khai và quy định chi tiết các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở (hao hụt, vận chuyển, bảo hiểm, chi phí tài chính, các khoản thuế nộp Nhà nước…) để hình thành giá bán lẻ, nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội, thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý và quá trình thực hiện tại doanh nghiệp.

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *